Thanh Hóa: Cần hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư xứng tầm cho công nghiệp chế biến nông sản

08:14 28/09/2022

Công nghiệp chế biến nông sản là một trong những lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH, nâng cao giá trị kinh tế của nông sản, hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa trong sản xuất nông nghiệp. Đối với Thanh Hóa, vấn đề này cũng luôn được quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng so với tiềm năng của nghành nông nghiệp đang ngày càng phát triển ở đây.

Với 145.803 ha đất trồng lúa, 50.600 ha rau các loại, 21.680 ha diện tích trồng cây ăn quả, Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển công nghiệp chế biến của khu vực Bắc Trung bộ. Hiện nay, Thanh Hóa đã quy hoạch được 97 vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn tập trung, cùng với lúa và cây ăn quả, đã tạo ra một sản lượng lớn, đa dạng về sản phẩm, đồng thời cũng là nguồn cung dồi dào cho ngành công nghiệp chế biển nông sản tỉnh Thanh Hóa.

Để phát huy những lợi thế của địa phương, Thanh Hóa đã có nhiều chính sách quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản như: tạo điều kiện thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án chế biến nông, lâm sản đáp ứng tiêu chí của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản và doanh nghiệp bao tiêu nông sản cho nông dân. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch; rà soát, bổ sung, điều chỉnh vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp nâng cao năng hiệu quả và năng suất trong sản xuất nông nghiệp. 

Chế biến nông sản còn nhiều tiềm năng để phát triển
Chế biến nông sản còn nhiều tiềm năng để phát triển. (Ảnh: internet)

Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến nông sản tại Thanh Hóa cho đến thời điển hiện tại vẫn chưa đáp ứng được so với sản lượng nông sản được tạo ra từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh này. Cụ thể, đối với sản lượng lúa đạt từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn/năm, sản lượng gạo hơn 900.000 tấn/năm, nhưng Thanh Hóa mới có 7 doanh nghiệp đầu tư xây dựng 3 nhà máy chế biến lúa gạo có quy mô lớn, với tổng công suất 180.000 tấn/năm và được chế biến thông qua quy trình khép kín, chiếm 12,8% sản lượng lúa, 20% sản lượng gạo trên địa bàn tỉnh.

Đối với rau quả, là dòng sản phẩm phù hợp cho việc chế biến thành nhiều sản phẩm  như: nước đóng chai, hoa quả đóng hộp, rau quả sấy khô, tinh bột…thì hiện tại, Thanh Hóa cũng chỉ mơi có 17 doanh nghiệp có nhà máy chế biến rau quả, với tổng công suất gần 110.000 tấn/năm, chiếm khoảng 18% sản lượng rau quả hàng năm của tỉnh, vẫn còn một lượng rau, quả được sơ chế ở dạng thô để đưa ra thị trường hoặc được các doanh nghiệp tỉnh ngoài tiêu thụ. Việc này cũng khiến giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp Thanh Hóa giảm đáng kể so với thực tế.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến đối với nông sản của các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như trồng rừng, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản  cũng chưa đáp ứng được tiềm năng. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 235 doanh nghiệp, HTX chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản; 29 doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; 80 doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản và hơn 600 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Hầu hết các doanh nghiệp này mới chỉ đạt ở quy mô vừa và nhỏ, thực hiện chế biến thô, vì thế, doanh nghiệp chưa tạo ra được sản phẩm có thương hiệu riêng. Điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế mà ngành nông nghiệp Thanh Hóa tạo ra. 

Đưa tỉnh Thanh Hoá phát triển ngành chế biến nông sản xứng tầm
Đưa tỉnh Thanh Hoá phát triển ngành chế biến nông sản xứng tầm. (Ảnh: minh hoạ)

Hơn thế nữa, hiện nay, với xu hướng CNH, HĐH trong nông nghiệp, nông sản Thanh Hóa không chỉ đang cải thiện về mặt sản lượng, chất lượng mà còn tăng nhanh về diện tích sản xuất do hiệu quả của việc áp dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp. Trước thực tế tích cực đó, ngành công nghiệp chế biến cũng cần nhanh chóng đầu tư, áp dụng công nghệ, quy mô sản xuất tương xứng đáp ứng việc thu mua chế biến nông sản được tạo ra, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Để làm được điều đó, nghành nông nghiệp Thanh Hóa cũng đang tập trung quy hoạch các vùng sản chủ lực theo vùng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm đạt chất lượng cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, xây mới các nhà máy có dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến hiện đại, quy mô; hướng dẫn các doanh nghiệp thu mua nông sản, nông hộ sử dụng nhãn hiệu;  xây dựng kế hoạch và các điều kiện để sản phẩm đạt tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký sử dụng nhãn hiệu. Mặt khác, để có thể khai thác hết tiềm năng, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản, cũng cần tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng ở các vùng sản xuất, tạo điều kiện thận lợi cho hoạt động vận chuyển vật tư và tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp đến với công nghệ chế biến tiên tiến hiện đại.

 Ngọc Lâm