"Thái quá bất cập" và lằn ranh đỏ trên mạng xã hội

16:05 31/03/2022

Sự vụ bà Nguyễn Phương Hằng là một kết cục buồn, một bài học không mới, nhưng cần nhắc lại cho những ai hay ngộ nhận đến mức lầm tưởng quyền lực của giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn là không giới hạn; quên mất giới hạn về quyền và nghĩa vụ của một công dân, đến mức tự cho mình “quyền sinh quyền sát”, thay tòa phán xử ai đó là có tội.

Xinh đẹp, giàu có, quyền lực và ghi nhận nhiều hoạt động thiện nguyện đáng đáng trân trọng (nổi bật là đã hiến tặng 4ha đất ở đô thị ước khoảng 1.000 tỷ đồng thuộc dự án Khu nhà ở Đại Nam tại phường Phú Tân, thành phố Thủ Dầu Một cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), một thời bà Nguyễn Phương Hằng được mặc nhiên coi là biểu tượng người phụ nữ thành đạt, viên mãn và được nhiều người ngưỡng mộ, cũng như không ít người ghen tỵ.

Hơn nữa, là người sử dụng tới 12 kênh trên mạng xã hội, có thời điểm bà còn được một bộ phận cư dân mạng khá ấn tượng và cảm tình vì hoạt ngôn, cá tính mạnh mẽ, nhiệt tâm “bóc phốt” và chủ động khiếu nại, tố cáo với cơ quan chức năng về một số hiện tượng không minh bạch và tiêu cực trong hoạt động thiện nguyện tự phát ở nước ta. Một số video livestream trên trang fanpage của bà Hằng đạt hơn vài triệu triệu view, với hàng trăm nghìn lượt thích, bình luận và chia sẻ. Thậm chí, để ủng hộ bà mà có cá nhân “fan cuồng” đã thực hiện cả một cuộc tấn công gây nghẽn mạng của một cơ quan báo chí Nhà nước vì lên tiếng phê phán bà.

Cũng vì tùy tiện phát ngôn trên mạng xã hội, bà đã từng bị Thanh tra Sở TT&TT thành phố Hồ Chí Minh xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng do hành vi thông tin sai sự thật về UBND tỉnh Bình Thuận đã bao che cho hoạt động chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên.

Ảnh minh họa 

Đặc biệt, ngày 24-3 Công an TPHCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam với bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự; Theo cơ quan này, bà Hằng đã tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội có nội dung thông tin liên quan đến đời tư của người khác không kiểm chứng; sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân; Hơn nữa, quá trình điều tra, bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TPHCM và các địa phương khác.

Dư luận không bất ngờ về việcnày.Những ai am tường về pháp luật đều hiểu rõ rằng bên cạnh bảo hộ quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm, chính kiến, cũng như bảo hộ bí mật đời tư và danh dự của công dân, Nhà nước cũng nghiêm cấm mọi sự thóa mạ, xúc phạm, đưa thông tin thất thiệt, không có căn cứ về người khác, cả trong đời thường cũng như trên mạng xã hội. Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo và nói lên những nghi ngờ, chính kiến riêng, song về nguyên tắc pháp lý, không một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào ngoài Tòa án được quyền kết tội công dân.

Nói cách khác, pháp luật không cho phép công dân tùy tiện xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, trong đó có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư, quyền được kết tội theo đúng pháp luật.

Khoe tài sản, “bóc phốt”, kể chuyện bí mật đời tư nghệ sỹ…là những chủ đề hot, dễ được nhiều người hiếu kỳ theo dõi, dù trực tiếp hay gián tiếp và dễ làm người trong cuộc nổi danh. Chúng cũng “chả làm chết thằng tây nào” và không vi phạm pháp luật, nếu được tiết chế nội dung và thể hiện một cách khoan hòa, dí dỏm, trí tuệ, không gây phản cảm và nhất là không trực tiếp triệt hạ, làm tổn thương danh dự, nhân phẩm, uy tín và hạnh phúc người trong cuộc, không vi phạm lằn ranh đỏ quyền tự do dân chủ của công dân.

Sự vụ bà Nguyễn Phương Hằng là một kết cục buồn, một bài học không mới, nhưng cần nhắc lại cho những ai hay ngộ nhận đến mức lầm tưởng quyền lực của giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn là không giới hạn; quên mất giới hạn về quyền và nghĩa vụ của một công dân, đến mức tự cho mình “quyền sinh quyền sát”, thay tòa phán xử ai đó là có tội.

Thái quá luôn bất cập, mọi nhận thức và hành động cực đoan đều khó bền vững vì không phù hợp thực tiễn như là tiêu chuẩn chân lý. Đó là lời người xưa để lại và cũng là thông điệp hiện đại luôn có giá trị cảnh tỉnh nghiêm khắc cho những ai đang ảo vọng vào mình và đắm đuối với danh vọng ảo, quá say sưa với sự tung hô và u mê bởi những lời hoa mỹ của “ê kíp” và cư dân mạng, không có điểm dừng hợp lý để “tự cứu mình trước khi trời cứu”…!

TS.Nguyễn Minh Phong