Nỗ lực “xanh hóa” nền kinh tế

Tiếp tục chương trình Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo, chiều 7/9 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự phiên thảo luận thứ 3 của Hội nghị với chủ đề ‘’Phục hồi sau đại dịch’’. Tại đây, ông Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu về “Chuyển đổi nền kinh tế để ứng phó với Biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững”, theo Văn phòng Quốc hội.

“Thách thức kép” với sự tồn vong của nhân loại

 

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đến 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên 27% khi có hỗ trợ quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, cho biết, theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Riêng trong 2020, thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại gần 1% GDP, xóa sạch thành quả hàng chục năm về giảm nghèo của nhiều vùng. Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó toàn diện, giảm năng lượng hóa thạch, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào 2030. Từ đầu 4/2021, Việt Nam triển khai chương trình trồng một tỉ cây xanh đến 2025. Điều này sẽ giúp hấp thụ thêm 2-3% lượng khí phát thải vào năm 2030.

Cũng theo ông Vương Đình Huệ, Việt Nam đã sớm gửi Liên hợp quốc Cam kết Quốc gia tự nguyện (NDC) và Quốc hội Việt Nam đã đưa NDC vào luật. Theo đó, đến 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên 27% khi có hỗ trợ quốc tế. Việt Nam đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đối khí hậu, COP-21 Paris (2015) và sẽ dự COP-26, tại Anh (11/2021).

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nước phát triển giàu mạnh hơn cần đi đầu thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, nâng cao năng lực công nghệ cho các nước đang phát triển. Nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định vì đây là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.

“Phát huy tốt hơn nữa các khuôn khổ, sáng kiến hợp tác khu vực, tạo thuận lợi tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp và tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện đầy đủ và đúng hạn các mục tiêu phát triển bền vững. Là đại biểu Quốc hội, chúng ta cần ủng hộ, đồng hành và giám sát, thúc đẩy chính phủ hành động mạnh mẽ…”, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh.

Liên quan đến hành động của cơ quan lập pháp, ông Vương Đình Huệ đề xuất, các nghị viện, nghị sỹ cần tăng cường rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, hỗ trợ, giám sát chính phủ vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa thực hiện cam kết COP-21, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phục hồi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, sẽ rất khó khăn khi phải xử lý tỷ lệ nợ công đã tăng lên mức cao (do các chính phủ đã vay nợ lớn trong đại dịch). Trong tiến trình này, cần khuyến khích phát triển quan hệ đối tác công-tư, đề cao sự nỗ lực, sáng tạo của doanh nghiệp, sự ủng hộ cùng hành động của người dân...

Tăng cường hợp tác nghị viện để ngăn chặn dịch Covid -19

Ngoài các bài phát biểu trực tiếp tại các phiên toàn thể và chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam còn có nhiều tham luận gửi Ban tổ chức Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 khi thảo luận các chủ đề về: “Giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19’’, ‘’Ứng phó với đại dịch Covid-19 và thách thức đối với cơ chế hợp tác đa phương trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân’’.

“Thách thức kép” với sự tồn vong của nhân loại

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham gia nhiều phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kêu gọi các nghị viện, các quốc gia tiếp tục ủng hộ, tin tưởng và tăng cường hợp tác đa phương với vai trò trung tâm dẫn dắt của Liên hợp quốc, cùng sự tham gia của các tổ chức quốc tế, khu vực, qua đó bảo đảm đủ nguồn lực tài chính để đạt được các mục tiêu phục hồi toàn diện và bền bỉ sau đại dịch Covid-19. Cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống dịch bệnh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, bảo đảm tất cả các quốc gia đều có thể tiếp cận công bằng, bình đẳng các nguồn cung vaccine nhanh chóng, kịp thời với giá cả hợp lý; chia sẻ công nghệ, hợp tác sản xuất vaccine, thuốc điều trị...

“Mỗi quốc gia, nghị viện cần chủ động sáng kiến, hành động quyết liệt trong thẩm quyền của mình nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các chính phủ các nước kịp thời triển khai các chương trình quốc gia ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu…”, ông Vương Đình Huệ đề xuất.

Liên quan đến hành động của cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đề xuất, tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác nghị viện nhằm chia sẻ kinh nghiệm cùng ngăn chặn đại dịch Covid-19, hỗ trợ cung cấp vaccine, hợp tác sản xuất vaccine, nâng cao năng lực y tế công cộng, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì sản xuất, ổn định chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…

“Để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cam go này, các nghị viện cần có vai trò dẫn dắt quan trọng trong việc đặt người dân vào trung tâm của mọi quyết sách, đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực, sức sáng tạo của mọi người dân, doanh nghiệp. Theo đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội về xây dựng và hoàn thiện luật pháp, giám sát thực hiện các chính sách, quan tâm đến phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và ứng phó với tình trạng bất ổn kinh tế, tái nghèo đang lan rộng trong đại dịch...”, ông Vương Đình Huệ đề xuất.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, cần tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác nghị viện trong phòng chống dịch Covid-19 để cùng giảm thiểu tác động của đại dịch, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi quốc gia, hướng tới hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hiệp quốc. Do giãn cách trong phòng chống dịch, nên cần phát huy công nghệ thông tin, chuyển đổi kinh tế số, mở rộng việc số hóa việc trao đổi thông tin và tương tác của cử tri với các nghị sỹ, phát huy việc người dân tích cực tham gia vào các hoạt động Nhà nước.../.