Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long |
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết Bộ đã làm việc với đại diện pháp lý của hai sàn này. Bộ yêu cầu Temu và Shein phải khẩn trương đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương trong tháng 11/2024 theo quy định của Việt Nam. Trong thời gian chờ đăng ký, các sàn phải thông báo với người tiêu dùng về quá trình đăng ký và tạm dừng các hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, hai sàn này cần nhanh chóng nghiên cứu các quy định liên quan đến thương mại điện tử như hải quan và thuế. Ông Long cho biết thêm, Shein và Temu đang phối hợp chặt chẽ với Bộ và sẽ hoàn tất việc đăng ký trong tháng 11/2024.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cũng khẳng định rằng nếu các sàn không tuân thủ quy định, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp kỹ thuật như ngăn chặn ứng dụng, chặn tên miền. Bộ sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra và cảnh báo người tiêu dùng về rủi ro tiềm ẩn từ các sàn chưa được cấp phép.
Ngoài ra, ông Long cho biết Bộ Công Thương sẽ tăng cường truyền thông về phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và sẽ rà soát các quy định, đề xuất Chính phủ các biện pháp quản lý phù hợp với tình hình các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trả lời thêm, ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, bao gồm cả sàn quốc tế như Temu, Shein, và Amazon, đều phải được cấp phép và chịu sự quản lý nhà nước từ Bộ Công Thương theo Nghị định số 52/2013 về thương mại điện tử, đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 85/2021.
Ông Sơn giải thích thêm, về quản lý thuế đối với các khoản thu nội địa từ hoạt động thương mại điện tử, theo Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021, các nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, và nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Nếu phát hiện sai sót trong kê khai doanh thu, cơ quan thuế sẽ đối chiếu dữ liệu, yêu cầu điều chỉnh, và tiến hành thanh tra, kiểm tra nếu có dấu hiệu gian lận hoặc trốn thuế.
Ông Sơn cũng cho biết, đến nay, đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài, với tổng thu ngân sách nhà nước đến cuối tháng 10/2024 đạt 20.174 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2024 đạt 8.600 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
Temu và Shein hoạt động tại Việt Nam: Cảnh báo các biện pháp xử lý nếu không tuân thủ quy định |
Liên quan đến Temu, ông Sơn cho biết, ngày 4/9/2024, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd., chủ sở hữu sàn Temu, đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế 9000001289. Theo Thông tư số 80, các nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp thuế theo quý. Vào ngày 30/10/2024, Elementary Innovation Pte. Ltd. đã kê khai doanh thu quý III/2024 là 0 và cam kết sẽ kê khai doanh thu phát sinh từ tháng 10/2024 trong báo cáo quý IV/2024. Tổng cục Thuế đang giám sát chặt chẽ việc kê khai của Temu để đảm bảo tuân thủ quy định thu nộp thuế đúng và đủ.
Ngoài ra, ông Sơn nhấn mạnh, đối với cá nhân và hộ kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý thuế, trong đó yêu cầu các tổ chức quản lý sàn, kể cả trong và ngoài nước, có chức năng thanh toán phải khấu trừ và nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Khi Luật này được thông qua, Bộ Tài chính sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn, quy định chi tiết trách nhiệm của các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử trong việc hỗ trợ và phối hợp với cơ quan thuế, đảm bảo thực hiện khấu trừ và nộp thuế thay, phù hợp với quy định về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và các quy định hiện hành, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cả sàn và người kinh doanh trên sàn.