Văn bản này được gửi đến các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh thương mại quốc tế đang diễn biến phức tạp và khó dự đoán, đặc biệt khi Hoa Kỳ gia tăng áp dụng các biện pháp thuế quan với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, việc chủ động ứng phó là cần thiết để bảo đảm lợi ích quốc gia và duy trì ổn định cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
![]() |
Bộ Công Thương vừa ban hành văn bản số 2515/BCT-XNK, yêu cầu siết chặt việc quản lý nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. |
Bộ đề nghị các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để cập nhật kịp thời các chính sách và biến động thị trường, từ đó hướng dẫn doanh nghiệp hội viên xây dựng phương án thích ứng hiệu quả. Đồng thời, các hiệp hội cần đóng vai trò đầu mối trong việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào nhằm giảm sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Doanh nghiệp cũng được khuyến cáo phải bảo đảm nguồn gốc rõ ràng của nguyên liệu phục vụ sản xuất, tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, từ đó phòng tránh nguy cơ gian lận xuất xứ.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với những thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu. Doanh nghiệp cần tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, ưu tiên các quốc gia còn nhiều dư địa phát triển. Đồng thời, việc lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, nhất là về truy xuất nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm.
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2025 vẫn ghi nhận kết quả tích cực. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê – Bộ Tài chính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong ba tháng đầu năm đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 102,84 tỷ USD (tăng 10,6%), và nhập khẩu đạt 99,68 tỷ USD (tăng 17%).
Việc chủ động siết chặt kiểm soát xuất xứ không chỉ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý và tranh chấp thương mại, mà còn góp phần củng cố uy tín hàng hóa “Made in Vietnam” trên thị trường quốc tế.