Tăng cường chính sách giảm thuế là đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

10:01 23/02/2021

Bộ Tài chính đưa ra quan điểm kiên trì thực hiện các chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong thời kỳ dịch Covid- 19, hạn chế mức rủi do tối thiểu cho doanh nghiệp.

Gia hạn thời gian nộp thuế

Đây là thông tin được các doanh nghiệp hết sức quan tâm vào thời điểm này bởi thực tế cho thấy, các giải pháp hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất của Chính phủ được thực hiện trong năm 2020 đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí có doanh nghiệp tăng trưởng. 

  Công nhân yên tâm sản xuất trong thời kỳ dịch Covid -19

Năm ngoái, những chính sách hỗ trợ kịp thời trong việc giãn thuế, gia hạn tiền thuê đất được xem như "máy trợ thở" kịp thời giúp các doanh nghiệp vực dậy trước muôn vàn khó khăn. Lần này, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, đối với thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, đề nghị gia hạn 3 tháng.

Đối với các hộ, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021, trong các ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn. Đối với tiền thuê đất, đề nghị gia hạn đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được giảm. Theo nghiên cứu của Bộ Tài chính, nếu đề xuất được thông qua, tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.

Giảm chi phí tăng cường vốn đối ứng

Để tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, đồng thời phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 trả lời phỏng vấn báo chí, đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ngành Tài chính sẽ tập trung thực hiện linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp tài chính – NSNN.

Trong đó, sẽ điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Giải pháp về chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí đầu vào, tăng vốn khả dụng cho DN, thông qua việc tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai các giải pháp chính sách về thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Đối với nhiệm vụ thu NSNN, năm 2021, ngành Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong chỉ đạo thu, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Phấn đấu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5% GDP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN.

Năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài. Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, điều hành chủ động, thận trọng, ứng phó kịp thời các diễn biến phát sinh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính kết hợp hiện đại hóa, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố nguồn thu cho NSNN.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý NSNN; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Q.V