Tham gia Hội thảo có lãnh đạo VINASME, lãnh đạo ADB, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa), Bộ Tư pháp, một số ngân hàng, Đại học Quốc gia Hà Nội, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhóm tư vấn khảo sát – phân tích kết quả khảo sát và một số chuyên gia kinh tế, tài chính ngân hàng.
Mở đầu Hội thảo, TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: " Hiện nay, việc đánh giá tác động của Covid-19 đến cộng đồng DNVVV được nói tới rất nhiều. Bộ, ngành cũng có nhiều quan điểm khác với cộng đồng doanh nghiệp. Đây chính là nội dung mà khoa học phải trả lời rằng cái gì là đúng. Mục đích Hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi mô tả lại những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua từ tác động của dịch bệnh cho đến những chính sách liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, xin ý kiến các nhà khoa học, các đại diện Bộ, ngành, đây chính là mục tiêu gần của Hội thảo để chúng tôi, ngân hàng ADB cũng với nhóm nghiên cứu có được một tổng hợp tốt nhất để hoàn thiện nghiên cứu”.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam cũng cho rằng: "Dịch covid-19 tác động rất nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 42.000 doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động trong vòng 10 tháng qua và như vậy là tăng gần 59% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tác động nghiêm trọng của đại dịch đối với sức khỏe của các doanh nghiệp. Thay mặt cho đại diện Ngân hàng phát triển châu Á(ADB), tôi tái khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc đưa ra những hỗ trợ tài chính và tư vấn Chính sách cho Việt Nam trong việc chống lại đại dịch covid và khôi phục nền kinh tế. Khi đại dịch bắt đầu vào tháng Tư, ADB đã đưa ra một gói hỗ trợ ứng phó với đại dịch covid-19 với tổng ngân sách là 6,5 tỷ đô la Mỹ cho các quốc gia thành viên đang phát triển trong châu Á.
ADB đã tăng gói này từ 6,5 tỷ đô la mỹ lên tới 20 tỷ để giúp cho các quốc gia thành viên của ADB có thể ứng phó với được những tác động về mặt kinh tế vĩ mô do covid-19 gây ra. Gói này đưa ra hỗ trợ ngân sách trong việc thúc đẩy các biện pháp ứng phó về mặt y tế, tăng cường an sinh xã hội cũng như là bảo vệ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế trước những tác động của covid-19 gây ra. ADB và Vinasme đã thực hiện một cuộc khảo sát về tác động của covid-19 gây ra đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Cuộc khảo sát này đã được thực hiện từ giữa tháng 7 tới giữa tháng 9 năm 2020, trên cơ sở hợp tác với Vinasme và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội", ông Andrew cho biết.
"Chúng ta hôm nay có mặt tại đây để cùng lắng nghe về kết quả của cuộc khảo sát này cũng như thảo luận những biện pháp có thể thực hiện được để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong thời gian tới, rất mong muốn được phối hợp chặt chẽ với VINASME và các bộ ngành Trung ương để có thể tìm ra những giải pháp cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy quá trình khôi phục kinh tế nhanh chóng tại Việt Nam. Nhân cơ hội này, chúng tôi cũng muốn khẳng định với các quý vị rằng ADB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn đầy biến động của nền kinh tế đầy biến động hiện nay, đại diện ADB", ông Andrew cho biết thêm
Cũng tại Hội thảo, Tiến sĩ Võ Cường – Trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo – trình bày sơ lược những kết quả thu được sau hai tháng thực hiện chương trình khảo sát (từ 29/7 đến 27/9).
Ông Cường cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát về các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến doanh thu của các doanh nghiệp và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vận tải, du lịch và tiểu thương Việt Nam. Đồng thời, ý kiến đánh giá của doanh nghiệp đối với các giải pháp hỗ trợ từ chính phủ cũng được khảo sát, thu thập. Trên cơ sở các dữ kiện khảo sát được, báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị, trong đó đáng chú ý là nhấn mạnh gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo là cần thiết để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nhiều đại biểu tham gia hội thảo đánh giá cao các nội dung và kết quả ban đầu của báo cáo nói trên, trong đó có những điểm khác biệt, độc đáo so với các báo cáo khác về cùng chủ để này như: Tập trung vào nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa – những đối tượng gặp khó khăn nhất và dễ bị tổn thương nhất do tác động của dịch Covid-19, hay đề cập đến yếu tố giới (nữ lao động, nữ cán bộ) trong các doanh nghiệp được khảo sát…
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế đã chỉ ra một vài thiếu sót, hạn chế cần khắc phục của báo cáo. Ông Thành cho rằng, thiếu sót của báo cáo nói trên là chưa đề cập đến cách phản ứng của doanh nghiệp đối với các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.
Một số ý kiến khác cho rằng, báo cáo cần toàn diện hơn khi nên nghiên cứu thêm về các tác động tích cực của Covid-19 đến các doanh nghiệp như: Tạo cơ hội cho doanh nghiệp tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh, thay đổi cách quản trị chi phí cho hiệu quả hơn…
Trong phần khuyến nghị của báo cáo và phần tham luận của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính – ngân hàng tại hội thảo, ông đã đưa ra sáng kiến về đề xuất thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia đối với DNNVV và nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu. Đa số các ý kiến cho rằng, đề xuất thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng là có cơ sở, có thể có tác động tích cực giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, song việc có thể hiện thực hóa điều này không đơn giản khi còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố, điều kiện có liên quan.
Ông Vũ Tuấn Anh – Đại diện Ngân hàng SHB
Tôi hoàn toàn ủng hộ ư về cuộc khảo sát này. Khi dịch bắt đầu bùng phát, chúng tôi cũng đã tham gia cuộc khảo sát rà soát khách hàng, đặc biệt với các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ về việc tác động ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc khảo sát này tập trung vào tác động của covid-19 tới việc thay đổi phương án kinh doanh. Kết quả chúng tôi nhận được là những ảnh hưởng lớn mà doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt bao gồm: nguồn nguyên liệu thị trường đầu vào, sản xuất, thương mại gia công, nguồn nhân lực, công nghệ và đầu ra của sản phẩm. Trên cơ sở về việc đánh giá kết quả của những tác động đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi cũng đưa ra các giải pháp bao gồm các nhóm giải pháp về tài chính và phi tài chính.
Ông Đỗ Văn Hải - Đại diện ngân hàng BIDV
Chúng tôi có thể thấy rằng buổi thảo luận hôm nay đã mang đến rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là các vấn đề về thủ tục trình tự triển khai gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và làm thế nào để giải quyết được những rào cản. Chúng ta sẽ không có câu trả lời đúng hay sai cho cách tiếp cận của các cơ quan ban ngành vì có lẽ chúng ta nên để cho toàn xã hội, những người thụ hưởng - họ sẽ trả lời câu hỏi này. Điều chúng tôi ghi nhận là đối với những công ty lớn, những tổ chức lớn thì họ rất dễ có thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ vì họ có uy tín, có quy mô, có những đội ngũ rất hùng hậu, và họ cũng sẽ là đối tượng có được ưu thế trong thời điểm khó khăn.
Nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một cấu phần rất quan trọng của nền kinh tế, đóng góp rất nhiều trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Họ cũng dễ bị tổn thương trong bối cảnh khó khăn của đại dịch. Có thể nói họ vừa là đối tượng dễ bị tổn thương, vừa là đối tượng khó khăn nhất mà chúng ta có thể gửi gắm gói hỗ trợ cần thiết đến đúng nhu cầu. Vậy thì làm thế nào để các cơ chế ngân hàng, các định chế về hỗ trợ tài chính có thể tiếp cận được nhanh chóng hơn, hỗ trợ được đúng hơn đối với nhóm đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là bài toán vô cùng cần thiết.
Bảo Trinh