![]() |
Đã có bộ tiêu chí chuyển đổi số cho doanh nghiệp |
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Xu hướng này tạo ra những thay đổi đáng kể trong vận hành, quản trị và kinh doanh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số dành riêng cho DNNVV và doanh nghiệp lớn. Đây là công cụ nhằm đo lường mức độ ứng dụng công nghệ số của doanh nghiệp, từ đó xác định hiện trạng, nhu cầu và định hướng phát triển.
Đối với DNNVV, bộ tiêu chí được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi. Mức độ chuyển đổi số được đánh giá thông qua việc sử dụng các nền tảng và công cụ số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Danh mục các công cụ số được thiết lập linh hoạt theo đặc thù ngành nghề.
Hiệu quả sử dụng công nghệ số được đánh giá bằng cách kết hợp giữa hai cách tiếp cận: Tự đánh giá chủ quan của doanh nghiệp và phân tích khách quan mối quan hệ giữa các nền tảng, công cụ đang được áp dụng. Điểm số phản ánh mức độ chuyển đổi số sẽ căn cứ vào số lượng công cụ được sử dụng và mức độ liên kết, tích hợp giữa chúng.
Phương pháp đánh giá sử dụng bộ câu hỏi điều tra hiện trạng, trong đó doanh nghiệp tự chấm điểm theo bộ câu hỏi chung cho nhiều ngành và bộ câu hỏi riêng theo đặc thù từng lĩnh vực. Nội dung xoay quanh tình hình ứng dụng các giải pháp số trong hoạt động thực tiễn.
Khác với DNNVV, bộ tiêu chí cho doanh nghiệp lớn được thiết kế chuyên sâu hơn, cho phép tự đánh giá hoặc đánh giá thông qua các tư vấn viên được công nhận. Trong trường hợp cần thiết, dữ liệu có thể được kiểm chứng bởi chuyên gia độc lập thông qua phương pháp lấy mẫu.
Cấu trúc bộ tiêu chí gồm 6 trụ cột: Khách hàng, Chiến lược, Công nghệ, Vận hành, Văn hóa và Dữ liệu. Mỗi trụ cột có các nhóm tiêu chí cụ thể, đánh giá toàn diện quá trình chuyển đổi số theo quy mô và mức độ phức tạp của doanh nghiệp.
Việt Nam hiện đang đặt trọng tâm phát triển kinh tế số và chuyển đổi số, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp. Nhiều chính sách hỗ trợ đã và đang được triển khai như: Thứ nhất, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 (Quyết định 749/QĐ-TTg) đặt mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số trong GDP lên 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, đồng thời chuyển đổi toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, khu vực doanh nghiệp là trọng tâm với yêu cầu đổi mới căn bản hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Thứ hai, hệ thống pháp luật hỗ trợ DNNVV như Luật Hỗ trợ DNNVV (2017), Nghị định 80/2021/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra hành lang pháp lý cho DNNVV chuyển đổi số. Các chính sách huy động nguồn lực từ trung ương đến địa phương nhằm xây dựng hệ sinh thái số, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, thu hút đầu tư.
Thứ ba, chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số giai đoạn 2021–2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai, giúp nâng cao nhận thức, tư vấn lộ trình và cung cấp nền tảng công nghệ. Mục tiêu cụ thể gồm: hỗ trợ 100.000 doanh nghiệp tiếp cận công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số; đào tạo và kết nối các giải pháp chuyển đổi số; xây dựng 100 mô hình doanh nghiệp chuyển đổi điển hình; và hình thành mạng lưới 100 chuyên gia tư vấn.
Nhờ các chính sách hỗ trợ và sự thúc đẩy từ thị trường, DNNVVđã và đang từng bước đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Hầu hết doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận hành, tương tác với khách hàng và đối tác. Động lực chính là nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu vào và tăng cường quản lý, giám sát.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu dành ngân sách cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số. Điều này phản ánh sự thay đổi tích cực trong nhận thức và năng lực của đội ngũ lãnh đạo, nhân sự. Các công nghệ số được áp dụng rộng rãi hơn trong tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh, quản lý tồn kho, dây chuyền sản xuất, mua hàng và quản trị nội bộ. Nhiều doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu và chuẩn hóa quy trình để tiến đến chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ.
Theo số liệu từ Bộ Khoa học và Công nghệ, trong quý I/2025, tỷ trọng kinh tế số trong GDP cả nước đạt 18,72%, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kinh tế số thuộc lĩnh vực ICT chiếm 8,63%, còn lại là kinh tế số trong các ngành khác (chiếm 10,09%). Những con số này cho thấy nỗ lực chuyển đổi số đang phát huy hiệu quả rõ rệt, đặc biệt trong cộng đồng DNNVV – nơi từng bị xem là “điểm nghẽn” trong quá trình số hóa nền kinh tế.