Theo Bộ Y tế, mặc dù Luật An toàn thực phẩm (ATTP) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình thực thi vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Cụ thể:
Quy định thiếu đồng bộ, khó áp dụng: Một số nội dung chưa thống nhất trong hệ thống pháp luật, thiếu tính khả thi trên thực tế.
Quản lý chất lượng chưa hiệu quả: Chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng trong sản xuất và lưu thông.
Bộ máy quản lý cồng kềnh: Tổ chức hệ thống quản lý ATTP chưa tinh gọn, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác hậu kiểm chưa thường xuyên: Việc giám sát sau khi doanh nghiệp công bố sản phẩm còn hạn chế; tình trạng thực phẩm giả, kém chất lượng vẫn phổ biến.
Thiếu cơ chế xử lý vi phạm: Chưa có quy định rõ ràng về việc thu hồi giấy chứng nhận hoặc tạm dừng dịch vụ công đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Trách nhiệm pháp lý chưa rõ ràng: Chưa yêu cầu đơn vị công bố sản phẩm phải là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng.
Chưa bắt buộc áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến: Một số loại thực phẩm đặc biệt như thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi... chưa bị ràng buộc phải áp dụng hệ thống HACCP hoặc tương đương.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật là cần thiết, nhằm: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của các bên liên quan. Tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra thực phẩm trên thị trường. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp.
![]() |
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) nhằm kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập và vướng mắc sau hơn 15 năm thi hành Luật hiện hành. |
Dự thảo luật mới cũng đề xuất bổ sung các hành vi bị cấm trong quảng cáo, kinh doanh thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và xử lý các bất cập hiện nay: Quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm; sử dụng hình ảnh, phát ngôn của nhân viên y tế, cơ sở y tế, bệnh nhân... để quảng cáo thực phẩm. Người có ảnh hưởng (KOLs) không công khai mối quan hệ tài trợ khi quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm đặc biệt hoặc sản phẩm cho trẻ nhỏ. Tiết lộ thông tin cá nhân người mua, hoặc không cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định.
Dự thảo Luật cũng đề xuất bổ sung, điều chỉnh các mức xử phạt hành chính: Tổ chức, cá nhân vi phạm tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bồi thường thiệt hại. Cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ để vi phạm quy định về ATTP cũng sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc hình sự nếu gây hậu quả. Mức phạt tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân; 400 triệu đồng đối với tổ chức. Nếu mức phạt này thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì có thể áp dụng mức phạt lên tới 7 lần giá trị vi phạm. Số tiền thu được từ hành vi vi phạm có thể bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Việc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm là cấp thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong bối cảnh thị trường thực phẩm ngày càng phát triển và phức tạp.