Thứ bảy 19/07/2025 06:28
Hotline: 024.355.63.010
Bất động sản

Rừng có chủ mà chủ chẳng có quyền...?

29/03/2021 08:52
Giữa tháng 2/2021, trong quá trình đi tuần tra, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH HTV LN Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk phát hiện tại lô 15, khoảnh 3, tiểu khu 64 và lô 3, khoảnh 1, tiểu khu 68 có 391 cây rừng lớn, nhỏ bị cưa hạ trên diện tích
Lâu nay, những chủ rừng vẫn tay không giữ rừng, họ vẫn thiếu những chế tài làm chủ, nhưng rừng bị phá, bị lấn chiếm thì họ phải chịu trách nhiệm.
Lâu nay, những chủ rừng vẫn tay không giữ rừng, họ vẫn thiếu những chế tài làm chủ, nhưng rừng bị phá, bị lấn chiếm thì họ phải chịu trách nhiệm.

Riêng tại lô 3, khoảnh 1, tiểu khu 68 có 116 cây rừng bị cưa trên diện tích bị phá là 2.800 m2, lực tuần tra đã bắt được quả tang và lập biên bản phạm pháp đối với 3 đối tượng đang cưa cây rừng trái phép. Bước đầu các đối tượng khai nhận là người dân tộc thiểu số cư trú tại xã Ia sao, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Và việc vào lâm phần của Công ty TNHH HTV LN Ea H’Leo để phá rừng là nhằm mục đích lấy đất làm nương rẫy. Ngay sau đó, vụ việc đã được báo cho các cơ quan chức năng, như: Hạt Kiểm lâm huyện, UBND huyện Ea H’Leo...

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty TNHH HTV LN Ea H’Leo, đơn vị chủ rừng, cho biết: “Dù là nguyên nhân gì thì phía công ty cũng có trách nhiệm trong việc này. Chúng tôi đi tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên nhưng ngày mùng 4 tết thì phát hiện khu vực nói trên bị tàn phá” - ông Hùng thông tin.

Theo ông Lê Thanh Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea H’Leo, khu vực rừng bị phá giáp ranh với tỉnh Gia Lai và cách xa trung tâm huyện Ea H'Leo, các đối tượng lâm tặc lợi dụng những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vào phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Ngay khi phát hiện vụ việc, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với công an huyện, chủ rừng là Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Ea H’Leo... phong tỏa hiện trường, tổ chức điều tra truy bắt các nhóm lâm tặc gây ra các vụ phá rừng vừa nêu. “Có hai khu vực rừng thuộc sự quản lý của Công ty TNHH HTV LN Ea H’Leo bị tàn phá với hơn 1 ha rừng. Hiện nay, phía Hạt đã báo cáo vụ việc lên các cơ quan liên quan, đồng thời đề nghị trưng cầu giám định để tiến hành các bước xử lý tiếp theo. Tôi sẽ đề nghị công an và Viện Kiểm sát vào cuộc nếu có dấu hiệu hình sự” - ông Lê Thanh Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea H’leo nói.

Đến nay, vụ phá rừng ở hai tiểu khu 64 và 68 của Công ty TNHH HTV LN Ea H’Leo thuộc địa bàn xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk đang được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý. Tuy nhiên, từ vụ phá rừng này, những chuyện tưởng chừng đã cũ rích như: “Tay không giữ rừng” hay “Rừng có chủ cũng như không”, hay “Chủ rừng nhưng chẳng có quyền hành gì”... lại được nhắc đến mới nguyên không hề có chút hư cấu.

“Do chức năng, quyền hạn của chủ rừng lâu nay bị hạn chế, không thể đề nghị đối tượng vi phạm cung cấp được thông tin chính xác để lực lượng quản lý bảo vệ rừng lập được hồ sơ ban đầu. Chính vì vậy khi về báo cáo, bàn giao hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý thì cơ quan chức năng lại không thể điều tra, xác minh được đối tượng vi phạm. Đây là vấn đề rất bất cập đã diễn ra nhiều năm rồi mà chúng tôi không làm gì hơn được”. Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Ea H’Leo chua chát phân trần.

Đúng là những điều mà ông Giám đốc Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Ea H’Leo đã nói chẳng có gì mới. Bởi người viết bài này đã có gần 30 năm lăn lộn với những người giữ rừng nên hiểu rất tường tận sự gian nan, nguy hiểm của họ nơi rừng sâu, núi thẳm. Được tiếng là những chủ rừng như ông Nguyễn Công Hùng nhưng khổ nỗi là rừng rộng bao la, rừng không có cửa để đóng như cửa nhà mình thì giữ làm sao? Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Ea H’Leo có 22 người, ngày đêm trực tiếp làm nhiệm vụ giữ hơn 7.300 ha rừng, tính ra mỗi người giữ hơn 330 ha thì giữ thế nào?

Ai cũng biết là trong đời sống, giữ nhà đã khó huống chi giữ rừng. Vậy mà trách nhiệm đã được giao thì phải giữ. Mất rừng thì chủ rừng chịu trách nhiệm. Nhẹ thì bị kiểm điểm, nặng thì phải vào tù vì để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Vậy thì giữ rừng bằng cách nào?

Với ông Nguyễn Công Hùng đã hơn 20 năm gắn bó với nghề, chưa bao giờ tình yêu nghề, yêu rừng bị giảm sút trong ông. Khi được bổ nhiệm làm giám đốc công ty lâm nghiệp, ông hiểu trách nhiệm của mình rất nặng nề. Vì thế, làm sao để giữ cho rừng không bị phá luôn là sự trăn trở đau đáu trong ông. Nhưng cuộc sống vẫn có những trớ trêu, những điều vô lý, bất hợp lý mà nói ra thì đâu mấy ai hiểu, ai thương, thậm chí nó còn có thể trở thành sợi dây vô hình trói chặt những suy nghĩ đầy tích cực.

Nhiều cánh rừng ngã xuống, nhưng “vô chủ” vì hồ sơ ban đầu không thể ghi đúng tên đối tượng phá rừng.
Nhiều cánh rừng ngã xuống, nhưng “vô chủ” vì hồ sơ ban đầu không thể ghi đúng tên đối tượng phá rừng..

Giữ rừng mà chỉ có tay không. Chủ rừng mà không được quyền bắt kẻ phá rừng. Hàng ngày, những chủ rừng như ông phải trèo đồi, lội suối, cuốc bộ luồn lách trong cả cỏ cây, vách đá, bất kể nắng mưa, muỗi, vắt... có khi phải đi đến hàng chục cây số mỗi ngày, nhiều khi phải cơm đùm, cơm nắm để thực hiện sứ mệnh giữ rừng. Vậy mà khi phát hiện thấy lâm tặc, điều mà ông cũng như mọi người giữ rừng phải nghĩ đến ngay, đó là làm sao để bảo toàn tính mạng mà vẫn ngăn chặn được hành vi của kẻ phá rừng!?

Trước mắt ông và đồng nghiệp là những cây rừng bị chặt hạ rất xót xa, nhưng kẻ phá rừng thì có cả dao, rựa, thậm chí là cả vũ khí nóng ở trong tay. Họ thường manh động và sẵn sàng chống trả quyết liệt những người giữ rừng. Còn ông và những người đồng chí thì chỉ có tay không... đứng nhìn, nhìn rồi phải khôn khéo, nhẹ nhàng tiếp cận đối tượng và cách duy nhất là lập cho được biên bản phạm pháp quả tang và phải làm so để họ ký vào biên bản để bàn giao cho cơ quan kiểm lâm sau này xử lý. Trách nhiệm và chức năng, quyền hạn của ông và những người như ông chỉ có vậy! Và đó gọi là trách nhiệm và chức năng, quyền hạn của chủ rừng.

Chỉ những việc tưởng chừng như đơn giản vậy thôi, nhưng giữa rừng sâu núi thẳm, hoang vu đối với vài ba con người làm nhiệm vụ giữ rừng mà chỉ có tay không thì nhiều khi cũng không làm được. Thực tế là hầu hết những kẻ trực tiếp chặt phá rừng đều là những người dân nghèo, học hành hạn chế. Họ chặt cây, chiếm đất cũng vì miếng cơm, manh áo hàng ngày. Khi bị phát hiện chặt phá rừng, họ thường tìm cách trốn tránh trách nhiệm, không ai chịu thừa nhận là mình đã phá rừng. Vậy nên họ thường nói dối, thường khai sai họ sai tên, sai địa chỉ nơi cư trú... Do vậy, khi biên bản đã lập xong, tên người phá rừng là A thì sau này cơ quan chức năng đi kiểm tra lại chẳng tìm ra ai là A - là kẻ đã phá rừng (!). Hài là vậy. Chuyện hài mà thật như bịa ai cũng biết. Nhưng đã hàng chục năm rồi, biết mà vẫn không ai sửa, không ai tìm ra giải pháp căn cơ để giữ rừng mà lúc nào cũng nói “giữ rừng cần phải có giải pháp căn cơ” (!)

Vụ phá rừng ở hai tiểu khu 64 và 68 thuộc địa bàn xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk là nỗi đau cho ông Nguyễn Công Hùng - Giám đốc Công ty TNHH HTV LN Ea H’Leo và những đồng nghiệp của ông! Nhưng biết làm gì hơn khi họ đã làm hết trách nhiệm của mình, nhất là trong những ngày Tết mà vẫn phải bằng rừng, lội suối. Thực tế là hàng ngày, không thể có chuyện 22 con người lại có thể đi khắp được mọi nơi trên hơn 7.300 ha rừng tự nhiên để kịp thời phát hiện ra lâm tặc phá rừng. Chẳng những thế, họ cũng là con người, cũng phải có lúc ăn, lúc ngủ, có lúc cũng phải dành thời gian cho bản thân và gia đình... Hiểu được vậy, nên những kẻ phá rừng luôn là những người làm chủ “cuộc chơi”. Khi không có những người giữ rừng thì họ chặt cây, cưa cây; cuốc đất trồng tỉa hoa màu. Khi bị phát hiện thì họ dở “bài cùn” ra đối phó với trăm mưu, ngàn kế. Khi biết được tường tận rằng những người giữ rừng như ông Hùng và những đồng nghiệp của ông chẳng làm gì được họ (ngoài việc lập biên bản cũng không xong), thì họ cứ ngang nhiên... phá rừng, đốt nương, làm rẫy, thậm chí là làm cả lều trại để ở trong rừng. Và thế là những người giữ rừng trở thành “kẻ bất lực”. Và rồi nhiều cánh rừng cứ thế ngã xuống từng ngày... từng giờ. Và rồi bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu hội nghị, hội thảo... bàn về việc quản lý, bảo vệ rừng cũng “vẫn còn thiếu những giải pháp căn cơ”!

Thương lắm những người ngày đêm lam lũ, vất vả giữ rừng! Họ cũng có gia đình, có ông, bà, cha, mẹ, vợ con... Mỗi khi những người như ông Hùng và đồng nghiệp của ông rời nhà lên rừng là những người thân lại nơm nớp lo, nơm nớp chờ đợi cho đến lúc họ đã trở về nhà. Bởi những người như ông Hùng và đồng nghiệp của ông khác với những cán bộ kiểm lâm. Lực lượng kiểm lâm giờ đây hầu như chỉ còn làm tham mưu về mặt quản lý nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Kiểm lâm nếu phải lội rừng chống lâm tặc, nếu chẳng may khi thi hành nhiệm vụ thì cũng có nhiều chế độ. Còn ông Hùng và những đồng nghiệp của ông thì không ít người đã phải chịu đắng, nuốt cay. Máu của không ít người quản lý, bảo vệ rừng ở các doanh nghiệp lâm nghiệp đã đổ nhưng không ít người đã bị... lãng quên (?!?). Đó là chuyện đau lòng đã xảy ra ở Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, huyện Cư M’Gar; ở công ty lâm nghiệp Rừng Xanh, huyện Ea Súp... tỉnh Đắk Lắk từ nhiều năm trước.

Vậy đấy. Vẫn còn ngổn ngang những câu chuyện buồn về những người giữ rừng ở các công ty lâm nghiệp. Nhưng bao năm rồi họ cũng vẫn còn phải ôm đầy những trăn trở, xót xa. Giờ đây, ông Nguyễn Công Hùng cũng chỉ muốn có được niềm vui để trở về nhà với gia đình sau những tháng ngày lăn lộn với rừng. “Em chỉ cần một điều duy nhất là em được cái quyền trấn áp, bắt giữ những kẻ phá rừng đúng nghĩa là một ông chủ rừng thì em tin là em sẽ cùng với tập thể công ty sẽ làm tốt hơn hôm nay!” Ông Hùng đã nói thế với tôi và tôi tin ông Hùng. Nhưng ai cho ông và đồng nghiệp của ông những quyền như thế?

Thay cho lời kết của bài viết này, tôi xin mượn câu nói của ông Ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới Việt Nam rằng: “Thực tế mà nói đây là một vấn đề khó trong thực tiễn. Ví dụ như cơ quan quản lý, bảo vệ rừng như kiểm lâm chẳng hạn, thì nói chung là nhiều chế tài vẫn chưa đầy đủ cho người ta, như là trang bị vũ khí hoặc là trang bị những thiết bị để bảo vệ an toàn cho người ta trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng rất khó khăn, cho nên vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc đâu đó, kể cả kiểm lâm vẫn thường bị tấn công mà người ta cũng không dám làm gì hơn để bảo vệ mình... ví dụ như người ta không được quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ mình cho nên người ta vẫn bị tấn công và cuối cùng thì rừng vẫn mất...”.

Nguyễn Hiếu

Tin bài khác
Vì sao dòng tiền đầu tư bất động sản tiếp tục “Nam tiến”?

Vì sao dòng tiền đầu tư bất động sản tiếp tục “Nam tiến”?

Dòng tiền đầu tư bất động sản đang dịch chuyển mạnh từ Bắc vào Nam. Vì miền Bắc giá neo cao, sức hút giảm, trong khi miền Nam bùng nổ dự án, giá hợp lý...
Thị trường nhà ở: Chênh lệch lớn giữa cung – cầu

Thị trường nhà ở: Chênh lệch lớn giữa cung – cầu

Savills dự báo triển vọng dài hạn thị trường nhà ở Việt Nam sẽ được củng cố nhờ các cải cách pháp lý, hạ tầng giao thông và xu hướng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh.
Những yếu tố nào khiến giá bất động sản khó giảm?

Những yếu tố nào khiến giá bất động sản khó giảm?

Thị trường bất động sản chứng kiến nguồn cung tăng mạnh nhưng giá liên tục thiết lập mặt bằng mới. Các chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân sâu xa khiến giá nhà khó giảm.
TS. Võ Trí Thành: Bất động sản Hải Phòng hội tụ ba lợi thế phát triển

TS. Võ Trí Thành: Bất động sản Hải Phòng hội tụ ba lợi thế phát triển

Sự kết hợp giữa nền tảng sản xuất, chính sách linh hoạt và chất lượng sống cao giúp Hải Phòng trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư chiến lược.
Chuyển dịch thuê toàn cầu: Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang ở đâu?

Chuyển dịch thuê toàn cầu: Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang ở đâu?

Sự thay đổi chiến lược thuê của các tập đoàn toàn cầu đang tạo bước ngoặt cho bất động sản công nghiệp. Việt Nam đứng trước cơ hội vàng – nhưng liệu có đủ năng lực để nắm bắt?
Cải cách hành chính: Đòn bẩy mới cho bất động sản “bứt phá”

Cải cách hành chính: Đòn bẩy mới cho bất động sản “bứt phá”

Triển khai mô hình chính quyền đô thị hai cấp và sáp nhập địa giới hành chính từ 1/7/2025 mở ra cơ hội vàng giúc thị trường bất động sản chuyển mình vượt rào cản.
Chủ tịch VACC: Cần giải quyết tình trạng “giá đất đuổi giá nhà”

Chủ tịch VACC: Cần giải quyết tình trạng “giá đất đuổi giá nhà”

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Nguyễn Quốc Hiệp đề xuất cải cách thủ tục hành chính và quy định đấu thầu để xử lý tình trạng “giá đất đuổi giá nhà”, thúc đẩy bất động sản bền vững.
Khánh Hòa: Kêu gọi đầu tư khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại 2 khu rừng phòng hộ

Khánh Hòa: Kêu gọi đầu tư khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại 2 khu rừng phòng hộ

Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc và Nam Khánh Hòa vừa công bố kế hoạch cho thuê môi trường rừng để khai thác du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại hai khu vực này.
Đề xuất điều chỉnh bảng giá đất nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh bằng 65–70% giá đất ở

Đề xuất điều chỉnh bảng giá đất nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh bằng 65–70% giá đất ở

Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND Thành phố kiến nghị điều chỉnh giá đất nông nghiệp trong Quyết định 79/2024 theo hướng tăng lên mức bằng 65–70% giá đất ở trong bảng giá đất.
Đề xuất bổ sung sân bay Măng Đen, Vân Phong vào quy hoạch hàng không quốc gia

Đề xuất bổ sung sân bay Măng Đen, Vân Phong vào quy hoạch hàng không quốc gia

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, bổ sung hai sân bay Măng Đen và Vân Phong, mở ra cơ hội đột phá kinh tế - xã hội cho các địa phương.
Chi phí xây dựng leo thang bất động sản bị tác động thế nào?

Chi phí xây dựng leo thang bất động sản bị tác động thế nào?

Báo cáo Savills Impacts chỉ rõ chi phí, tài chính và nhân lực đang ghìm ngành xây dựng. Chịu áp lực nhưng mở ra hướng đi bền vững cho thị trường bất động sản.
Cơ hội vàng để quy hoạch thông minh sau sáp nhập địa giới hành chính

Cơ hội vàng để quy hoạch thông minh sau sáp nhập địa giới hành chính

Việc sáp nhập đơn vị hành chính và chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp mở ra cơ hội vàng cho quy hoạch thông minh.
Có rủi ro từ quy định tính thêm 5,4%/năm tiền sử dụng đất chưa nộp?

Có rủi ro từ quy định tính thêm 5,4%/năm tiền sử dụng đất chưa nộp?

Dự thảo sửa đổi Nghị định 103 quy định mức thu bổ sung 5,4%/năm đối với tiền sử dụng đất chưa nộp đang vấp phải phản ứng từ doanh nghiệp bất động sản. Các nhà đầu tư cảnh báo rủi ro pháp lý và tài chính và đề xuất điều chỉnh chính sách để tránh gây tắc nghẽn thị trường.
Đà Nẵng điều chỉnh giá đất: Mức tăng “sốc” từ 125%–172%

Đà Nẵng điều chỉnh giá đất: Mức tăng “sốc” từ 125%–172%

UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định 45, điều chỉnh giá đất từ 7-7-2025, tăng mạnh đến 170%. Đường Bạch Đằng lên gần 341 triệu đồng/m², nguồn thu ngân sách bùng nổ, báo hiệu cơ hội và thách thức cho thị trường bất động sản.
Tập đoàn Bcons tổ chức lễ khởi công Dự án Bcons Bình An Đông Tây

Tập đoàn Bcons tổ chức lễ khởi công Dự án Bcons Bình An Đông Tây

Ngày 28/6/2025, sự kiện “Lễ khởi công dự án Bcons Bình An – Đông Tây” là mốc son ghi dấu cho sự phát triển và khẳng định sự gắn bó của Bcons với mảnh đất Bình Dương.