Quỳnh Lưu (Nghệ An): Tín dụng chính sách ưu đãi “khai sinh” nhiều điển hình thoát nghèo bền vững

19:51 19/07/2023

Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã “khai sinh” nhiều điển hình thoát nghèo bền vững ở huyện Quỳnh Lưu. Qua đó, không chỉ đảm bảo an sinh, mà còn góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2021-2025.

Được biết, Quỳnh Lưu đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Toàn huyện sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 0,1 – 1,5%/ năm; hỗ trợ xây dựng từ 10 đến 15 mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững cho các gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; phấn đấu 80% người có khả năng lao động có nhu cầu thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông – lâm – ngư - diêm nghiệp và đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất để tăng thu nhập hộ gia đình… Tất cả mục tiêu phấn đấu nhằm hướng tới: Tiếp tục thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tạo sinh kế để người nghèo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần…

Quỳnh Lưu tổ chức tập huấn nghiệp vụ vay vốn ủy thác Ngân hàng CSXH năm 2023
Huyện Quỳnh Lưu tổ chức tập huấn nghiệp vụ ủy thác vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi năm 2023.

Từ thực tiễn cho thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã “khai sinh” rất nhiều điển hình thoát nghèo bền vững ở trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Qua đó, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2021-2025… Theo đó, trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Quỳnh Lưu đã hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Nhờ vậy, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành gương điển hình trong phát triển kinh tế, đơn cử như hộ gia đình chị Hồ Thị Tùy, trú tại thôn Nghĩa Phú, xã Quỳnh Nghĩa…

Ông Nguyễn Quý Thái- Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Lưu dẫn đầu đoàn công tác của Ban đại diện HĐQT kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại xã Quỳnh Bảng.
Ông Nguyễn Quý Thái- Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Lưu dẫn đầu đoàn công tác của Ban đại diện HĐQT kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại xã Quỳnh Bảng.

Đến với gia đình chị Tùy, chúng tôi mới thật sự cảm nhận và khâm phục nghị lực vươn lên thoát nghèo của người phụ nữ tảo tần này. Trao đổi với PV, chị Tùy cho biết: Chị sinh ra trong một gia đình thuần nông nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tưởng rằng, khi lập gia đình thì cuộc sống sẽ thay đổi. Nào ngờ, cái đói nghèo vẫn đeo bám cuộc sống của chị, đặc biệt là khi đôi mắt của chồng chị mờ dần rồi mù hẳn. Mọi chi tiêu của gia đình chủ yếu nhờ vào nguồn thu nhập ít ỏi từ nghề sản xuất muối truyền thống. Thế rồi, chị được Chi hội Phụ nữ thôn Nghĩa Phú cùng với Tổ Tiết kiệm & vay vốn hỗ trợ nên chị đã được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Lưu để tạo sinh kế cho gia đình…

Năm 2014, chị được xét duyệt vay nguồn vốn hộ cận nghèo với số tiền 50 triệu đồng để làm chuồng nuôi hươu sao. Nguồn thu nhập từ mô hình nuôi hươu sao đã giúp gia đình chị ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Sau đó, chị tiếp tục được tạo điều kiện vay thêm 50 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư chế biến nước mắm. Cuộc sống tuy vất vả, chồng bị khuyết tật khiếm thị nhưng vợ chồng luôn đoàn kết, yêu thương, hỗ trợ nhau để phát triển kinh tế gia đình. Thu nhập từ nhung hươu và nước mắm đã giúp vợ chồng chị trả hết các khoản nợ, nuôi con cái ăn học và vươn lên thoát nghèo. Để mở rộng quy mô chăn nuôi hươu sao, Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Lưu đã xét duyệt cho chị tiếp tục được vay nguồn vốn thoát nghèo… Hiện nay, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị còn thường xuyên trao đổi kiến thức về chăn nuôi và chế biến nước mắm cho chị em trong chi hội.

Mô hình chăn nuôi hươu sao và sản xuất nước mắm của gia đình chị Tùy được nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi
Mô hình chăn nuôi hươu sao và sản xuất nước mắm của gia đình chị Tùy được nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi "tiếp sức" mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Chia tay gia đình chị Tùy, chúng tôi lại đến với gia đình chị Vũ Thị Thu, trú tại xóm 4, xã Quỳnh Hưng. Gia đình chị Thu trước đây thuộc diện hộ nghèo, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều do một mình chị gánh vác, vì chồng bị chấn thương ở chân nên không làm được việc nặng. Sau khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, chị đã mạnh dạn mua máy móc để sản xuất đồ mộc mỹ nghệ. Nhờ sự kiên trì, không ngừng học hỏi, nỗ lực vươn lên, năm 2020 gia đình chị đã thoát nghèo. Thu nhập từ nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ đã giúp gia đình chị thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững…

Chị Thu đang lắp ráp cầu thang bằng gỗ mỹ nghệ cho khách hàng
Chị Thu đang lắp ráp cầu thang bằng gỗ mỹ nghệ cho khách hàng.

Rất nhiều điển hình thoát nghèo bền vững bằng nguồn vốn chính sách ưu đãi trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, nhưng ở phạm vi của bài viết này thì không thể đề cập hết được. Nhìn chung, có thể khẳng định rằng, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi thật sự là “bà đỡ” hữu ích cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đổi tượng chính sách khác có điều kiện để vươn lên thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Qua đó, tác động mạnh mẽ, thiết thực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm… và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao và hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2021-2025.

Hoàng Lan