Sau chặng đường chuẩn bị, Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) đã chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào đầu năm 2025. Thành tựu này đánh dấu bước ngoặt phát triển lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch và đầu tư hạ tầng đô thị.
Tạo dựng nền tảng hạ tầng đô thị đồng bộ
Theo Sở Xây dựng TP. Huế, các dự án phát triển đô thị trên địa bàn được triển khai bài bản, bám sát quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng nhằm kết nối đô thị trung tâm với các khu vực vệ tinh, mở rộng không gian phát triển, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô.
Việc đầu tư hạ tầng không chỉ đáp ứng yêu cầu đô thị hóa, mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo chiều sâu. Đây cũng là nền tảng vững chắc giúp Huế từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược nêu trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng - ông Trương Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo thành phố. Trong đó, nổi bật là Nhà ga T2 – Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, với công suất phục vụ 5 triệu lượt hành khách mỗi năm, nâng cao năng lực vận chuyển hàng không của khu vực.
![]() |
Cảng nước sâu Chân Mây (TP. Huế) được kỳ vọng trở thành đầu mối logistics quan trọng khu vực miền Trung. Với khả năng tiếp nhận tàu khách quốc tế cỡ lớn và hàng hóa trọng tải 70.000 tấn, Chân Mây đóng vai trò chiến lược trong kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây ra biển. |
Trên trục đường bộ, các tuyến quan trọng như đường Phú Mỹ – Thuận An, đường ven phá Tam Giang – Cầu Hai, đường ven biển và cầu vượt cửa biển Thuận An... đã và đang được đầu tư mạnh mẽ. Các tuyến cao tốc như La Sơn – Túy Loan, Cam Lộ – La Sơn cũng đã đưa vào khai thác, mở rộng kết nối vùng và tạo thế liên hoàn với các tỉnh duyên hải miền Trung.
Dự án cầu Nguyễn Hoàng vượt sông Hương, thông xe kỹ thuật vào tháng 3/2025, là một trong những điểm nhấn lớn, góp phần mở rộng không gian đô thị về phía tây, phát triển các khu vực Hương Long, Hương Hồ và khai thác hiệu quả quỹ đất.
TP. Huế cũng sở hữu hơn 120km đường bờ biển, cùng với cảng nước sâu Chân Mây – nơi đã đưa vào vận hành 3 bến với công suất từ 4,5 đến 9 triệu tấn hàng/năm – được kỳ vọng trở thành đầu mối logistics quan trọng khu vực miền Trung. Với khả năng tiếp nhận tàu khách quốc tế cỡ lớn và hàng hóa trọng tải 70.000 tấn, Chân Mây đóng vai trò chiến lược trong kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây ra biển. |
Thời gian tới, thành phố tiếp tục ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và đô thị ven biển. Một số dự án trọng điểm như Laguna Lăng Cô giai đoạn 2, khu nghỉ dưỡng Minh Viễn, Bến số 4, 5, 6 tại cảng Chân Mây, khu dịch vụ logistics... cũng đang được xúc tiến để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển và nâng tầm vị thế Huế trên bản đồ kinh tế quốc gia.