Quốc hội đồng ý 'giải cứu' Vietnam Airlines do ảnh hưởng của dịch Covid-19

09:50 18/11/2020

Trong nghị quyết kỳ họp vừa được thông qua, Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)

Vietnam Airlines mở thêm nhiều đường bay nội địa

Ảnh minh họa

Chiều 17/11, tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 với đa số đại biểu tán thành.

Một nội dung đáng chú ý trong nghị quyết kỳ họp vừa được thông qua là Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Tổng công ty này sẽ chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo quy định của Luật Chứng khoán, nhưng được miễn trừ điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi năm liền trước khi chào bán.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ là đơn vị thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua, đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.

Nghị quyết yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định. Vietnam Airlines được yêu cầu tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.

Báo cáo tiếp thu giải trình về dự thảo nghị quyết trước khi đại biểu bấm nút, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Chính phủ không trình Quốc hội một đề án riêng mà chỉ báo cáo các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó đề xuất 2 giải pháp cụ thể để đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 .

Có ý kiến đại biểu đề nghị ghi rõ 4.000 tỷ đồng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vấn đề nêu trên thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên để Chính phủ chủ động trong việc tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo tình hình thực tế. Do vậy, không ghi cụ thể vào nghị quyết.

Trước đó, Vietnam Airlines cho biết đã có 14 báo cáo chính thức gửi các cơ quan quản lý nhà nước và nhiều cuộc làm việc với chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổng công ty đề xuất gói trợ cấp trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn và tăng vốn điều lệ.

Trong 9 tháng đầu năm, hãng bay báo lỗ 10.750 tỷ đồng, tương đương hơn 70% kế hoạch lỗ cả năm. Đến hết tháng 9, Vietnam Airlines vận chuyển 10,2 triệu lượt khách, bằng 58,8% cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu chỉ đạt gần 24.000 tỷ đồng, tương đương 41,7% cùng kỳ.

Sau nhịp hồi phục nhẹ giữa năm, doanh thu quý III của Vietnam Airlines giảm rất sâu do ảnh hưởng của làn sóng dịch thứ hai hồi cuối tháng 7. Trong khi những năm trước, ba tháng này thường là quý có doanh thu cao nhất. Hãng phải dừng 22 đường bay mới mở giai đoạn cao điểm hè.

Để đảm bảo thanh khoản và khả năng hoạt động liên tục, Vietnam Airlines cho biết tiếp tục thắt chặt các khoản chi (giảm được hơn 5.300 tỷ đồng), đàm phán giãn nợ, cân đối thanh toán với các khoản cần thiết, tăng vay ngắn hạn... Bên cạnh đó, hoạt động tận dụng máy nhàn rỗi để chở hàng từ tháng 3 đến nay cũng đóng góp cho hãng hơn 1.900 tỷ đồng, với 2.660 chuyến bay.

Tại cuộc gặp với SCIC gần đây, lãnh đạo Vietnam Airlines thừa nhận, năm 2021 sẽ tiếp tục lỗ nặng, mỗi ngày Covid 19 thổi “bay” 60 tỷ đồng nếu thị trường hàng không quốc tế không phục hồi.

Bảo Trinh