Quản lý tài chính: Móc xích quan trọng trong hệ thống quản trị doanh nghiệp

11:24 11/03/2023

Quản lý tài chính là một trong những công việc hàng đầu của CEO vì nó sẽ giúp cho doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lớn mạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Quản lý tài chính là một móc xích quan trọng trong hệ thống quản trị doanh nghiệp. Quản lý tài chính là 1 hoạt động có mối liên hệ chặt chẽ với các hoạt động khác của doanh nghiệp. Quản lý tài chính doanh nghiệp tốt có thể khắc phục những khiếm khuyết trong lĩnh vực khác. Một quyết định tài chính không được cân nhắc, hoạch định kỹ lưỡng có thể gây nên những tổn thất lớn cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế.

Có thể nói quản lý tài chính là một nhiệm vụ rất cần thiết đối với mỗi nhà điều hành doanh nghiệp. Vậy quản lý tài chính doanh nghiệp là gì? Những nguyên tắc nào trong quản lý tài chính cho doanh nghiệp? Những câu hỏi đó sẽ được bài viết dưới đây giải đáp. 

Quản lý tài chính trong doanh nghiệp là gì? 

Quản lý tài chính là một hoạt động rất quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào. Đây là một quá trình được lập kế hoạch, kiểm soát, tổ chức và giám sát các nguồn tài chính nhằm để mang lại các mục tiêu chung cho tổ chức.

Kỹ năng này được xem là một thực tiễn lý tưởng để kiểm soát các hoạt động tài chính của một doanh nghiệp như: Sử dụng ngân quỹ, mua sắm, kế toán, đánh giá rủi ro, thanh toán và những thứ khác liên quan đến tiền.

Tài chính kế toán và quản lý tài chính doanh nghiệp là 2 hoạt động gắn bó chặt chẽ với nhau, thể hiện trong việc quản lý các báo cáo tài chính. Bạn cần phải áp dụng các nguyên tắc chung để quản lý tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp.

Quản lý tài chính là một trong những công việc quan trọng hàng đầu của CEO vì nó sẽ giúp cho doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lớn mạnh.

Hay nói cách khác, quản lý tài chính là việc áp dụng những nguyên tắc chung đối với tài sản của doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận của mình từ quản trị nguồn vốn có hiệu quả. Ngược lại nếu vấn đề tài chính không được giải quyết một cách hợp lý sẽ làm sự phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Quản lý tài chính sẽ có những vai trò như:

- Vai trò huy động, khai thác nguồn tài chính nhằm đảm bảo yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp và tổ chức sử dụng vốn có hiệu quả cao nhất.

- Vai trò đòn bẩy kích thích và điều tiết hoạt động kinh doanh.

- Vai trò là công cụ kiểm tra các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để kịp thời xử lý nếu rủi ro tài chính xảy ra.

Quản lý tài chính là một móc xích quan trọng trong hệ thống quản trị doanh nghiệp.
Quản lý tài chính là một móc xích quan trọng trong hệ thống quản trị doanh nghiệp.

Nguyên tắc quản lý tài chính doanh nghiệp

Hệ thống lại nguồn tài chính

Doanh nghiệp có rất nhiều nguồn tài chính khác nhau như: Thẻ tín dụng, các khoản vay, tài chính ngân hàng, tài khoản môi giới, tài sản bên trong doanh nghiệp, các loại quỹ…. và các nguồn lực này sẽ luôn cần được kiểm tra và theo dõi thường xuyên. Vì vậy, việc sắp xếp có hệ thống sẽ là điều doanh nghiệp cần phải làm để kiểm soát được tất các các mục trên, từ đó đưa ra các kế hoạch thanh toán và chi tiêu kịp thời. 

Quản lý tài chính thu nhiều hơn chi

Khi ngân sách chi tiêu nhiều hơn lợi nhuận mang lại đó là lúc doanh nghiệp bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng về tài chính, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì dễ dẫn đến sự phá sản. Vậy nên, nguyên tắc chính là thu phải nhiều hơn chi sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh được nợ khi thực hiện công việc kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải nắm được nguồn tiền chi tiêu, theo dõi chặt chẽ để tránh việc sử dụng lãng phí ngân sách không cần thiết. 

Sử dụng tài chính doanh nghiệp đầu tư sinh lời

Sử dụng tiền cho mục tiêu đầu tư là nguyên tắc bắt buộc đối với doanh nghiệp để sinh ra lợi nhuận và mở rộng thương hiệu trên thị trường, vì giá trị tài sản của doanh nghiệp sẽ có những biến đổi theo thời gian. Nếu quản lý nguồn tiền một cách đúng đắn, doanh nghiệp sẽ có thể tạo ra nguồn thu lớn từ bên ngoài, từ đó làm dồi dào thêm nguồn tài chính. 

Luôn có sẵn quỹ dự phòng

Việc có thêm các phương án B, C hay D là điều mà hầu hết các nhà quản lý tài chính cần phải làm. Cho dù phương án của bạn có tốt đến đầu thì cũng có thể rơi vào những trường hợp rủi ro không lường trước được. Vì vậy bạn nên trang bị cho mình những phương án bằng các quỹ dự phòng, dịch vụ bảo hiểm để dễ dàng vượt qua khó khăn.

Rất nhiều quản lý doanh nghiệp thường không chú ý đến việc xây dựng quỹ dự phòng nên đôi khi sẽ rơi vào khủng hoảng khi không có nguồn tài chính dự phòng.

Quỹ dự phòng là một khoản tài chính giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong thời kỳ khó khăn. Hoặc doanh nghiệp có thể đầu tư vào các cơ hội tiềm năng khác. Thông thường doanh nghiệp sẽ trích ra một phần lợi nhuận để xây dựng nên quỹ dự phòng. Quỹ này sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp của bạn trong việc duy trì hoạt động bình thường từ 3 - 6 tháng.

Giảm thiểu tối đa các khoản nợ

Một trong những nguyên tắc quan trọng khác để giúp quản lý tài chính doanh nghiệp hiệu quả chính là ưu tiên giảm nợ.

Nợ có thể khiến cho doanh nghiệp bị áp lực và ảnh hưởng đến doanh thu ngay cả những kế hoạch kinh doanh ngắn hạn và dài hạn.

Vì vậy doanh nghiệp không nên mang theo những khoản nợ khó đòi từ năm này sang năm khác. Thay vào đó, hãy tìm cách để xóa bỏ chúng, từ đó đảm bảo tình hình tài chính ổn định và bền vững.

Chú ý đến các khoản thuế

Bất kỳ khoản sinh lời nào cũng sẽ bị cơ quan nhà nước đánh thuế. Vì vậy bạn phải xem xét và tính toán kỹ lưỡng những khoản đầu tư chịu ảnh hưởng trực tiếp của thuế ngay từ đầu.

Dự báo dòng tiền

Doanh nghiệp nên duy trì dự báo đồng tiền chi tiết hàng ngày, theo từng sản phẩm, mặt hàng trên cơ sở luân phiên là 6 tháng tới. Ngoài ra bạn cần xác định doanh nghiệp có khoản thâm hụt nào không và lập nên kế hoạch chi trả tất cả các khoản thâm hụt.

Thu Hà (t/h)