Ảnh minh họa.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei đã tăng từ mức 52,7 điểm trong tháng 4 lên 53,9 điểm trong tháng 5, theo báo cáo mới ra của Nikkei và IHS Markit.
Kết quả mới nhất cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ sức khỏe của lĩnh vực sản xuất, là mức cải thiện đáng kể nhất kể từ tháng 4/2017. Các điều kiện kinh doanh đã tăng trong suốt hai năm rưỡi qua, báo cáo nêu.
Nằm trong xu hướng kể từ tháng 12/2015, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng trong tháng 5. Hơn nữa, tốc độ tăng là mạnh và nhanh nhất trong 14 tháng. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng nhờ số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2011.
Với số lượng đơn đặt hàng mới tăng, các công ty đã tăng sản lượng tương ứng. Sản lượng đã tăng mạnh, và đạt mức tăng nhanh nhất trong ba tháng.
Song song với số lượng đơn đặt hàng mới và yêu cầu sản lượng tăng, các nhà sản xuất đã tăng số
lượng nhân công nhanh hơn trong tháng 5. Tốc độ tạo việc làm là mạnh nhất kể từ tháng 1.
Tốc độ tăng hoạt động mua hàng cũng đã nhanh hơn và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/2016. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng đã làm tăng tồn kho hàng mua, trong khi các thành viên nhóm khảo sát cho biết đã tăng hàng tồn kho để hỗ trợ tăng trưởng sản lượng trong tương lai. Hàng tồn kho thành phẩm cũng tăng sau khi giảm nhẹ trong tháng 4.
Cùng với mức tăng nhanh hơn của sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới, mức độ lạc quan trong kinh doanh đã tăng lên trong tháng 5. Hơn 52% số người trả lời khảo sát dự kiến sản lượng tăng trong năm tới, và mức độ lạc quan có được chủ yếu do số lượng đơn đặt hàng mới được dự đoán tiếp tục tăng.
“Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng ở mức kỷ lục là điểm nhấn chính của kết quả chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei mới nhất, từ đó giúp thúc đẩy tăng trưởng”, Andrew Harker, Phó giám đốc tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói.
Minh Anh