Năm 2022, số lượng HTX thành lập mới là 50 HTX; doanh thu của HTX đạt 2.932 triệu đồng/HTX/năm, tăng 239 triệu đồng (tương ứng 8,9%) so với năm 2021; lãi bình quân của 1 HTX là 196 triệu đồng/HTX, tăng 29 triệu đồng (tương ứng 17,1%) so với năm 2021; thu nhập bình quân của lao động HTX là 4 triệu đồng/người/tháng, khối Quỹ Tín dụng nhân dân đạt bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng, tương đương thu nhập năm 2021.
Các HTX đã quan tâm đến liên kết trong sản xuất và hướng đến phát triển các sản phẩm chủ lực là thế mạnh của địa phương: Chè, bưởi, chuối, chăn nuôi gia súc, gia cầm và rau an toàn... Nhiều HTX phát triển sản xuất với quy mô và diện tích tập trung, xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng của HTX trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 139 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó khu vực KTTT, HTX có 46 HTX và 3 THT với 83 sản phẩm đạt OCOP (chiếm 59,8% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh); trong đó: 4 sao có 25 sản phẩm; 3 sao có 58 sản phẩm OCOP; giá trị hàng hóa từ các sản phẩm OCOP tăng lên từ 10 - 15%.
Nhiều HTX mạnh dạn xây dựng phương án, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, xây dựng các sản phẩm hàng hóa nâng cao về giá trị, thu nhập của người dân được cải thiện, tạo dựng được thương hiệu. Các HTX đã hình thành liên kết giữa các thành viên trong HTX, liên kết giữa các HTX với HTX và HTX với doanh nghiệp tạo sự gắn kết hài hòa về lợi ích kinh tế, hỗ trợ giúp nhau tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Tiêu biểu như mô hình liên kết chuỗi giữa HTX nông nghiệp Hùng Việt (xã Hùng Việt, Cẩm Khê) tạo vùng sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGap, ký hợp đồng cung ứng nguyên liệu đầu vào sản xuất của HTX mì gạo Hùng Lô hoàn thiện tiêu chí cho sản phẩm mì gạo Hùng Lô đủ điều kiện lập hồ sơ trình công nhận sản phẩm OCOP 5 sao vào năm 2023.
Phát triển KTTT, HTX trên nền tảng những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đó là: Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được quan tâm, đổi mới, cải cách hành chính được đẩy mạnh, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX đang tích cực được bổ sung, hoàn thiện, thống nhất nhận thức từ Trung ương đến cơ sở mở ra nhiều cơ hội hợp tác; các sản phẩm chủ lực: Cây chè, cây bưởi, cây gỗ lớn và nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có ưu thế trên thị trường, còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ cho biết: Để phát huy hơn nữa vai trò, đóng góp của khu vực KTTT, nòng cốt là các HTX khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, Liên minh HTX tỉnh, các HTX thành viên, các tổ chức KTTT cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn sâu rộng về KTTT từ cấp tỉnh đến các HTX. Xác định đây là giải pháp trọng tâm và xuyên suốt trong thời gian tới nhằm nâng cao nhận thức về bản chất, mô hình HTX, phát huy vai trò, lợi ích của tổ chức HTX trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Liên minh HTX tỉnh, vận động thu hút thành viên, phát huy vai trò cầu nối, dẫn dắt thúc đẩy KTTT, HTX phát triển. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ, xây dựng các mô hình KTTT, HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế hỗ trợ KTTT, HTX của tỉnh phát triển bền vững. Ông Dũng cho biết thêm.
P.V