Phú Thọ: Các làng nghề thích ứng trong xu thế hội nhập

19:15 11/03/2024

Trong xu thế hội nhập, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang dần phải thay đổi tư duy, phương thức kinh doanh để tồn tại, phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê
Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê.

Hiện nay, tổ chức sản xuất ở các làng nghề đang có xu hướng chuyển sang mô hình phân công chuyên môn hóa và hợp tác hóa sản xuất. Một số làng nghề có điều kiện lợi thế về vị trí địa lý, có các sản phẩm đặc trưng đang phát triển gắn với các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh có trên 70 làng nghề, giải quyết việc làm cho gần 16.800 lao động, trong đó có hơn 11.700 lao động thường xuyên, tổng doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 1.000 tỉ đồng/năm. Các làng nghề hoạt động với bốn nhóm ngành nghề chính gồm chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản, thủ công mỹ nghệ, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.

Một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong làng nghề đã chủ động thực hiện các biện pháp liên kết, liên doanh, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, áp dụng công nghệ mới để vươn lên.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 40 doanh nghiệp, HTX trong làng nghề. Hình thức doanh nghiệp, HTX trong làng nghề chính là nhân tố trong tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ mới, đưa máy móc vào một số khâu sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Năm 2017, HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen ra đời theo hình thức HTX trong làng nghề. Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng làng nghề kiêm Giám đốc HTX cho biết: Thành lập HTX có tư cách pháp nhân để liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong sản xuất, mở rộng thị trường, xây dựng nhãn hiệu cho cây chè địa phương. Đồng thời HTX cũng liên kết các hộ chặt chẽ hơn, tạo nguồn lực về vốn, nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Sản phẩm trà Đá Hen
Sản phẩm trà Đá Hen.

"Hiện nay yêu cầu của khách hàng về chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng cao, mức độ cạnh tranh của ngành chè cũng ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi làng nghề, HTX phải thay đổi, xây dựng thương hiệu và khẳng định chất lượng sản phẩm. Đến nay, HTX đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng ba sao và bốn sao cấp tỉnh”, ông Thanh nói.

Làng nghề mộc Việt Tiến, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao có trên 30 hộ làm nghề, làng nghề có vai trò quan trọng trong đa dạng cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân tại địa phương. Ông Nguyễn Hữu Thủy - Chủ tịch UBND xã Tứ Xã cho biết: "Cùng với kinh nghiệm truyền thống, các hộ đã tích cực tìm tòi, sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đồ gia dụng đến đồ thờ cúng, trang trí... Đặc biệt, các hộ đã ứng dụng máy móc vào một số khâu giúp tăng năng suất lao động, đa dạng mẫu mã sản phẩm".

Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ phát triển làng nghề như: Bảo tồn và phát triển làng nghề, đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại, xây dựng, tạo lập, quản lý nhãn hiệu tập thể... được các cấp các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện, tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh trong làng nghề.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của các làng nghề, cần tiếp tục tăng cường công tác tập huấn để nâng cao trình độ, quản lý và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, người lao động trong các làng nghề. Khuyến khích phát triển đa dạng các hình thức sản xuất trong làng nghề, tăng cường liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Quốc Huy