Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 335 tỷ USD, tăng 15%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 310 tỷ USD, tăng 16%. Những con số trên đã được Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng thông tin tại Hội nghị kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu tỉnh Long An năm 2024 diễn ra sáng ngày 14/11/2024 tại tỉnh Long An do Bộ Công thương phối hợp cùng UBND tỉnh Long An tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng. |
Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu tỉnh Long An khám phá tiềm năng và dư địa của các nước trên thế giới, đồng thời nắm bắt thông tin về các tiêu chuẩn, quy định thị trường, từ đó tìm ra giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Đối với các Tập đoàn, nhà phân phối trong và ngoài nước, các doanh nghiệp nước ngoài tham dự trực tiếp và trực tuyến, đây cũng là cơ hội để tiếp cận, đánh giá năng lực sản xuất và cung ứng của các doanh nghiệp tỉnh Long An cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh, trong đó có sự phát triển của hệ thống logistics tại địa phương bao gồm các dịch vụ vận tải, kho bãi và các giải pháp hỗ trợ khác.
Năm 2024, thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro đe dọa sự ổn định, phát triển của thương mại toàn cầu như thiên tai, biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị và xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực… làm tăng chi phí vận tải, áp lực từ hàng rào bảo hộ, rủi ro về tỷ giá và thanh toán quốc tế gây đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống và suy giảm tổng cầu, tổng đầu tư của nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng gặp gỡ các doanh nghiệp tại hội nghị. |
Trong bối cảnh đó, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng thì tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả rất tích cực, cho thấy triển vọng của hoạt động sản xuất, môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và hầu hết các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, giày dép, và hàng nông, thủy sản tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng tích cực của tổng kim ngạch thương mại.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đã đánh giá cao Long An là một trong những tỉnh tích cực hội nhập, nỗ lực thích ứng, linh hoạt chiến lược nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các gian hàng trưng bày của doanh nghiệp tại hội nghị. |
Hiện nay, Long An là địa phương đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về xuất khẩu, đứng trong top đầu các tỉnh, thành phố về kim ngạch thương mại. Các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh, chủ lực của tỉnh Long An đã đóng góp phần lớn vào thành công xuất khẩu của tỉnh bao gồm: nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, dệt may, và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Long An cũng giúp kết nối thông TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng ĐBSCL, là cửa ngõ quan trọng để thông thương giữa các địa phương Nam Bộ, là đầu mối quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước.
Theo ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tình hình thu hút đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Long An tiếp tục tăng và đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể Long An hiện có 19.245 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 390 nghìn tỷ đồng, trong đó có 2.244 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 473 nghìn tỷ đồng. Thu hút đầu tư FDI trong 10 tháng đầu năm 2024, thu hút được 95 dự án với vốn đăng ký trên 640 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI lên 1.366 dự án với tổng vốn đăng ký trên 12,5 tỷ USD (đứng top 10 cả nước về thu hút FDI). Kim ngạch xuất nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2024, Long An đạt khoảng 10,7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 4,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Cả năm 2024, ước xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, nhập khẩu 5,4 tỷ USD.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, ông Đỗ Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cũng đã dành thời gian chia sẻ về những điểm tích cực trong xuất khẩu 10 tháng năm 2024 của Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh với 335 tỷ USD, tăng 15%. Trong đó, các thị trường xuất khẩu đều tăng như Trung Quốc 50,8 tỷ USD, tăng 21%; Hoa Kỳ 98 tỷ USD, tăng 24,2%, Asean 30,6 tỷ USD, tăng 14%… Đặc biệt, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh nhất ở mức 24,7%.
Đối với thị trường Singapore, ông Cao Xuân Thắng - Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore nhận định, Việt Nam với lợi thế là một quốc gia sản xuất nhiều sản phẩm, vị trí không xa và cùng với Singapore là quốc gia thành viên của các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, RCEP, là 2 quốc gia duy nhất trong khu vực có các Hiệp định toàn diện với châu Âu và Vương quốc Anh nên Việt Nam có nhiều thuận lợi xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư công nghiệp Singapore.
Ông Cao Xuân Thắng - Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore |
Riêng với Long An, ngoài nhóm mặt hàng công nghiệp thế mạnh của các doanh nghiệp FDI (điện tử, linh kiện, trang thiết bị, cơ khí, dệt may…), thì có 4 nhóm sản phẩm thực phẩm mà các doanh nghiệp Singapore đang quan tâm đó là mặt hàng trái cây, rau củ quả, các loại hạt (hàng năm Singapore nhập khoảng 1,3 tỷ USD, trong khi Việt Nam mới chỉ xuất khẩu 40 - 45 triệu USD); nhu cầu thị trường thủy sản của Sin khoảng 1,2 - 1,3 tỷ SGD (Việt Nam là đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào Sin, 120 triệu SGD, khoảng 10% thị phần); mặt hàng gạo Việt Nam là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore (33% thị phần); mặt hàng thịt, trứng và các sản phẩm chế biến.
Ông Trịnh Văn Hải - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An. |
Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Long An, ông Trịnh Văn Hải - Chủ tịch Hiệp hội cũng cho biết thêm, những sản phẩm chủ lực thể hiện tiềm năng, năng lực sản xuất của Long An trên thị trường quốc tế hiện nằm ở ngành nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD mỗi năm, ngành công nghiệp cơ khí - sắt thép và điện tử đạt kim ngạch 1 tỷ USD mỗi năm, ngành giày dép đạt 1,3 tỷ USD, ngành dệt may đạt kim ngạch 1,5 tỷ USD… Ngoài ra, với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đúng thứ 2 cả nước, chính quyền tỉnh luôn cam kết tạo điều kiện tối đa, thực hiện cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, đây là điểm cộng lớn giúp Long An thu hút được các doanh nghiệp từ nhiều ngành nghề.
Lễ ký kết ghi nhớ của các doanh nghiệp. |
Nhấn mạnh thêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - ông Nguyễn Minh Lâm đề nghị các đơn vị đã ký kết bản ghi nhớ tích cực triển khai, hiện thực hóa nội dung ký kết nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực, đối với các doanh nghiệp chưa có ký kết sẽ tiếp tục gặp gỡ để tìm hiểu cơ hội hợp tác, giao thương và tiến đến ký kết hợp tác cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm tham quan các gian hàng của doanh nghiệp. |
“Với tinh thần “đồng hành – phát triển – hội nhập”, quan điểm của tỉnh là “thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh” trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Long An cam kết sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước xúc tiến giao thương, mở rộng hợp tác, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Long An ngày càng thuận lợi và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.”- Phó Chủ tịch Nguyễn Minh Lâm một lần nữa khẳng định.
Các doanh nghiệp chụp hình kỷ niệm tại hội nghị. |
Quang cảnh hội nghị. |