![]() |
Công ty cổ phần Chế biến cà phê Sơn La. |
Sản lượng cà phê của toàn tỉnh hàng năm ước đạt 35.000 - 45.000 tấn cà phê nhân, tương đương 4.500 - 5.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh Sơn La đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao sản lượng, chất lượng.
Mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất cà phê sẽ chiếm 6-8% tổng giá trị ngành trồng trọt, xuất khẩu đạt 25.000 tấn cà phê nhân/năm, đồng thời phát triển thêm 3.900 ha cà phê đặc sản.
UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tăng cường tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và tái canh 8.000 ha cà phê già cỗi bằng các giống chất lượng cao như THA1, TN1, TN2, TN6, TN7.
Tại huyện Mai Sơn, địa phương có diện tích lớn nhất tỉnh (8.569 ha), công tác này đang được triển khai mạnh mẽ. Ông Nguyễn Khắc Hào, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết huyện đang phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã để tái canh, cải tạo 2.300 ha cà phê và phát triển chuỗi liên kết sản xuất bền vững.
Điểm sáng trong nỗ lực nâng cao chất lượng cà phê Sơn La là việc ứng dụng công nghệ cao và các tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất. Tại Mai Sơn, đã có hơn 1.600 hộ dân trồng 1.143 ha cà phê theo hướng công nghệ cao ở 18 bản thuộc các xã Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong. Ba doanh nghiệp lớn là Công ty CP chế biến cà phê Sơn La, Công ty CP Phúc Sinh Sơn La và Công ty CP Tập đoàn Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La đang liên kết sản xuất với 2.030 hộ dân trên diện tích 1.583 ha theo các tiêu chuẩn hữu cơ, 4C, RA và tiêu chuẩn không gây mất rừng của châu Âu.
![]() |
Công nhân sơ chế cà phê tại Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La. |
Các hợp tác xã cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và giá trị cà phê. HTX Dịch vụ nông nghiệp bản Củ (Chiềng Ban) với 52 thành viên và 71 ha cà phê đang liên kết với Công ty CP Phúc Sinh Sơn La để cải tạo, tái canh theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, hướng tới tiêu chuẩn xuất khẩu. Tương tự, tại xã Chiềng Chung, HTX Ara - Tay Coffee với 200 ha cà phê, trong đó 70 ha đang cho thu hoạch, đã xây dựng quy trình sản xuất bền vững, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phân bón hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm và đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 19.100 ha cà phê được cấp các chứng nhận bền vững RA, 4C, VietGAP và tương đương; có trên 1.120 ha cà phê đặc sản và 2 vùng sản xuất cà phê quy mô lớn tại Mai Sơn. Đặc biệt, 7 công ty, doanh nghiệp, HTX đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”, mở rộng thị trường xuất khẩu đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về giá trị gần 100 triệu USD và tạo việc làm ổn định cho trên 18.000 hộ trồng cà phê.
Với những nỗ lực không ngừng, Sơn La đang khẳng định vị thế là một trong những vùng trồng cà phê chất lượng cao của Việt Nam, từng bước hiện thực hóa mục tiêu giữ vững uy tín thương hiệu trên thị trường quốc tế, mang lại lợi ích bền vững cho người nông dân và doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.