Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), toàn thị trường có 17 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 10 với tổng giá trị 18.326 tỷ đồng với kỳ hạn trung bình 4 năm, lãi suất 9,7%/năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu là 205.867 tỷ đồng, bao gồm 25 đợt phát hành ra công chúng và 169 đợt phát hành riêng lẻ.
Cũng theo VBMA, trong tháng 10, các doanh nghiệp đã mua lại 12.336 tỷ đồng trái phiếu. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt 192.158 tỷ đồng (tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2022).
Trong khi đó, theo báo cáo vừa mới công bố, Công ty Chứng khoán MBS ước tính đến ngày 25/10, khoảng 99 doanh nghiệp đã thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 190.000 tỷ đồng, chiếm 18% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường. Khoảng 70% giá trị chậm trả rơi vào nhóm ngành ngành bất động sản.
Đồng thời, tổng giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn từ nay đến cuối năm lên tới 68.719 tỷ đồng, 31% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản.
Chia sẻ về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, Nghị định 08 là bước sửa đổi mang tính tạm thời, để lùi thời gian áp dụng một số điều khoản đến hết năm 2023 nhưng bản chất thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn lấy Nghị định 65/2022/NĐ-CP “làm chuẩn”. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, trước nhiều quy định thắt chặt như trên, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc phát hành trái phiếu.
Ông Thịnh lấy ví dụ, Nghị định 08 cho phép không áp dụng xếp hạng tín nhiệm cho các doanh nghiệp chỉ đến hết ngày 31/12/2023. Sau mốc này, với hai đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập được cấp phép hiện nay và một lượng lớn doanh nghiệp phát hành trái phiếu trên thị trường, đến khi nào doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm để đủ điều kiện phát hành trái phiếu? Đến hết năm 2025, có rất ít doanh nghiệp hoàn thành việc xếp hạng tín nhiệm. Vì vậy, chúng ta cần xem lại điều kiện này.
Ông Thịnh cho rằng, việc đòi hỏi doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, nghĩa là chúng ta đang co hẹp quyền được đi vay của doanh nghiệp. Tất nhiên, việc có tài sản đảm bảo sẽ giúp trái phiếu doanh nghiệp an toàn hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nếu mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp không cao. Đây cũng là điều chúng ta cần xem xét.
Ông phân tích, quy định mua bán trái phiếu hiện nay rất khó, phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có vốn đầu tư thường xuyên là 2 tỷ đồng trở lên, đồng thời phải nắm giữ trái phiếu 6 tháng liên tục không đứt quãng. Chưa kể, giá trị trái phiếu rất cao, có thể lên tới 100 triệu đồng/trái phiếu, là con số không hề nhỏ và trái với mong muốn của nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp. “Do đó, điều quan trọng là phải để người mua và người bán dễ dàng “chấp nhận” nhau, dễ dàng gặp nhau và giao dịch để trao quyền sử dụng vốn?”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ra hàng loạt vấn đề.
Liên quan đến câu chuyện chờ thị trường đáp ứng được yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo tài chính được kiểm toán trong 1, 2 năm, có lãi thì được phát hành trái phiếu.
“Để hoàn thiện chính sách đối với thị trường trái phiếu, chúng ta cần có những quy định với lộ trình cụ thể để doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu. Ở thời điểm hiện tại, các điều kiện này chưa chặt chẽ như quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”, ông Thịnh nhận định.
Theo Bộ Tài chính, trong 10 tháng qua, số lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành đạt 180.400 tỉ, còn lượng mua lại trước hạn là 190.700 tỉ. Ba tháng cuối năm, có 61.600 tỉ đồng trái phiếu được đáo hạn.
Về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thông tin được Bộ Tài chính công bố chiều 3-11, trong 10 tháng đầu năm, có 70 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 180.400 tỉ đồng.
Dù lượng trái phiếu phát hành giảm hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng bắt đầu tăng trở lại. Trong tháng 10, khối lượng phát hành đạt 41.000 tỉ đồng, tăng 17.000 tỉ đồng so với tháng 9.
Sở dĩ có được kết quả này là nhờ nghị định 08. Những khó khăn của thị trường đã dần được tháo gỡ. Kể từ khi nghị định này có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 3, khối lượng trái phiếu phát hành đạt 179.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn trong 10 tháng qua là 190.700 tỉ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tổng số phát hành.
Riêng trong tháng 10, các doanh nghiệp đã mua lại khoảng 14.200 tỉ đồng. Với nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ, Bộ Tài chính thông tin chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức mua trên thị trường sơ cấp trong 10 tháng đầu năm nay.
Ngân hàng mua chiếm 61% tổng khối lượng phát hành, còn các nhà đầu tư cá nhân mua chỉ 5%.
Nghệ Nhân