PGS-TS. Đặng Văn Thanh: Cần kiểm toán để sử dụng tài chính công hiệu quả

14:50 27/12/2023

PGS-TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc sử dụng hiệu quả nguồn tai chính công hay chưa sử dụng hiệu quả cần phải có giải pháp.

Mạnh tay xử lý việc thực hiện đầu tư công

PGS-TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khẳng định, Quốc hội và Chính phủ phải mạnh tay xử lý dứt điểm, trước hết là cắt ngay (hủy dự toán) các khoản chi đã có trong dự toán mà không chi hết, không chi được nhưng không thuộc đối tượng được chuyển nguồn. Với nhiệm vụ cần thiết vì lý do nào đó chi không hết, cũng mạnh tay hủy dự toán năm cũ, năm sau lập dự toán mới, tài chính phải dứt khoát, không dây dưa năm nọ qua năm kia.

Ông Thanh cho rằng, cơ quan kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán toàn bộ báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, chỉ cụ thể từng khoản chi chuyển nguồn do đâu, căn cứ vào đó, Thủ tướng Chính phủ mạnh tay xử lý người đứng đầu, người có trách nhiệm như xử lý người đứng đầu trong việc thực hiện đầu tư công. Chỉ có như vậy kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách mới vào khuôn phép.

Ảnh minh họa
PGS-TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội

Theo ông Thanh, làm mạnh tay sẽ khiến nhiều địa phương cảm thấy “đau” vì tiền đã được ngân sách trung ương bố trí mà bị cắt, nhưng thà đau một lần còn hơn.

Vị này cho biết, có tình trạng chuyển nguồn trong 10 năm nay tăng liên tục, đặc biệt trong mấy năm gần đây tăng cả về số tuyệt đối lẫn tương đối. Điều này cho thấy, công tác lập, phê duyệt dự toán chi có vấn đề; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước có vấn đề; kỷ luật, kỷ cương của đơn vị sử dụng ngân sách có vấn đề. Quốc hội, HĐND và người dân muốn biết vấn đề đó nằm ở đâu, thì chỉ có Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên sâu báo cáo quyết toán ngân sách của từng bộ ngành, địa phương mới phát hiện ra được.

“Ngân sách nhà nước là tiền mô hôi, công sức, tiền thuế, tiền đi vay người dân phải trả, nên người dân và cơ quan dân cử phải biết được hiệu quả sử dụng đến đâu, khu vực nào, lĩnh vực nào sử dụng hiệu quả; chưa sử dụng hiệu quả cần phải có giải pháp. Chuyển nguồn lớn rõ ràng là việc sử dụng tài chính công chưa hiệu quả, hằng năm, Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ báo cáo quyết toán ngân sách theo đúng Chiến lược Phát triển kiểm toán nhà nước đến năm 2030”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ.

Nhiều năm qua, việc chuyển nguồn càng ngày càng lớn cả số tuyệt đối lẫn tương đối, gây ra bất lợi cho cả nền kinh tế.

Thứ nhất, là tiền đã được Quốc hội bố trí để chi tiêu, đầu tư vào các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, nhưng không sử dụng được, không giải ngân được, buộc phải chuyển nguồn sang năm sau, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhiệm vụ, kế hoạch đã được hoạch định, lên kế hoạch.

Thứ hai, nền kinh tế và cả xã hội có rất nhiều nhiệm vụ, công trình, dự án cần tiền chi từ ngân sách không được bố trí nguồn vốn, vì nguồn đã được bố trí cho nhiệm vụ, công trình, dự án khác. Chỗ cần tiền thì không có, chỗ không tiêu được thì chuyển nguồn sang năm sau dẫn đến sử dụng đồng vốn kém hiệu quả.

Hạn chế và chấm dứt tình trạng có tiền không tiêu được

PGS-TS. Đặng Văn Thanh cho hay, theo Luật Ngân sách nhà nước, chỉ có 7 khoản nếu chi không hết được chuyển nguồn sang năm sau, còn lại tất cả các khoản dự toán chi chưa thực hiện được hoặc chưa chi hết phải hủy bỏ. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều khoản, ngoài 7 khoản được phép, vẫn chuyển nguồn. Tâm lý của lãnh đạo nhiều địa phương là ngân sách trung ương đã cân đối, chưa chi được thì cố xin giữ lại để sang năm chi, vì xây dựng lại dự toán sợ không “xin” được.

Cũng theo ông Thanh, Kiểm toán Nhà nước phải tập trung vào kiểm toán quyết toán ngân sách, không chỉ chỉ ra địa phương nào không chi hết xin chuyển nguồn, số tiền chuyển nguồn từng năm, mà quan trọng là phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến chuyển nguồn; ngành, lĩnh vực, khu vực thường xuyên chuyển nguồn, từ đó kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tìm cách hạn chế và chấm dứt tình trạng có tiền không tiêu được.

“Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra cả thu, chi còn nhiều vấn đề. Cụ thể, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 vừa được Quốc hội thông qua đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra còn tình trạng khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp chưa phù hợp quy định”, ông nói.

PGS-TS. Đặng Văn Thanh nói thêm: “Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn tình trạng một số dự án của địa phương được giao bổ sung kế hoạch vốn, nhưng không giải ngân hết trong năm, phải chuyển nguồn; vốn chuyển nguồn từ năm trước sang năm 2021 cũng không giải ngân hết buộc phải hủy dự toán. Nhiều khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi cho giáo dục - đào tạo, dạy nghề; khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường…, đạt rất thấp, phải chuyển nguồn hoặc hủy dự toán”.

Nhân Hà