Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI: Đất nước phát triển là phải có văn hóa kinh doanh quốc gia

11:55 17/03/2023

Để Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, thì không chỉ có phát triển kinh tế mà văn hóa kinh doanh, văn minh mới là vấn đề lớn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chia sẻ .

Ảnh minh họa
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Giới doanh nhân của mỗi nước luôn gắn với quá trình phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của quốc gia, một nền kinh tế phát triển thịnh vượng luôn có cốt lõi là một đội ngũ doanh nhân năng động, hùng mạnh.Thưa ông, lịch sử giới doanh nhân nước ta bắt đầu được viết từ thời gian nào?

Ông Phạm Tấn Công: Trong lịch sử phát triển của Việt Nam, giới doanh nhân thời xa xưa thường được gắn với hoạt động kinh doanh thuần tuý, họ được gọi là các thương nhân và được xếp vào vị trí cuối trong 4 giai tầng cơ bản của xã hội: Sĩ, Nông, Công, Thương. Các hoạt động thương mại, trao đổi hàng hoá đã xuất hiện trong các truyền thuyết cách đây hàng nghìn năm của người Việt.

Truyền thuyết Chử Đồng Tử kể rằng, vào đời vua Hùng thứ 18, khoảng 300 năm trước Công Nguyên, công chúa Tiên Dung đã gặp và lấy Chủ Đồng Từ ở làng Chử Xá ven sông Hồng, nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Do không được vua cha đồng ý, hai người đã ở lại vùng đất này, dạy dân làm ăn, buôn bán, rồi mở chợ Hà Thám để mọi người đổi chác hàng hoá. Chợ Hà Thám phát triển ngày càng lớn, có phố xá, khách buôn nước ngoài lui tới giao thương phồn thịnh.

Như vậy, Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa theo truyền thuyết đã là những thương nhân nổi tiếng đầu tiên của nước ta. Cách đây hàng trăm năm, các thương cảng quốc tế như Phố Hiến, Hội An của nước ta đã là điểm giao thương sầm uất đón thương nhân đến từ hàng chục quốc gia, điều đó cho thấy sự năng động và tính hội nhập của thương nhân Việt Nam có từ rất sớm. Tuy nhiên, thời kỳ xã hội phong kiến với chính sách “Dĩ nông vì bản”, “Trong nông ác thương”, lấy nông nghiệp là nền tảng kinh tế, công thương nghiệp chỉ là kinh tế phụ trợ cho nông nghiệp, nên giới công thương kém phát triển, vị thế xã hội cũng không được coi trọng.

Thời Pháp thuộc, với chính sách khai thác thuộc địa và sự xâm nhập của kinh tế tư bản, nền kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi lớn. Để khai thác tối đa lợi ích từ vùng đất thuộc địa màu mỡ, người Pháp đã tổ chức khai hoang quy mô lớn khiến nông nghiệp phát triển vượt bậc, đồng thời họ cũng đem đến trình độ và phương thức sản xuất mới trong công nghiệp và dịch vụ. Một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh bao trùm lãnh thổ Việt Nam gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, các đô thị lớn cũng dần hình thành. Các ngành kinh tế Việt Nam phát triển đa dạng, giới doanh nhân cũng dần lớn mạnh, có vị thế và ảnh hưởng xã hội ngày càng cao. Đã xuất hiện những doanh nhân có tầm cỡ, quản lý các doanh nghiệp Việt cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp của Pháp và các nước, ví dụ như: Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trương Văn Bền... Doanh nhân Việt Nam thời kỳ này cũng nêu gương sáng về tinh thần dân tộc, yêu nước và nhiệt huyết ủng hộ cách mạng, ủng hộ nền độc lập non trẻ của nước nhà, tiêu biểu như: ông bà Trịnh Văn Bô hiến cả gia tài cho cách mạng, ông Đỗ Đình Thiện, nhà tư sản thành Thư ký cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến đi Pháp năm 1946, Ngô Tử Hạ ông trùm ngành in thành cơ sở in ấn tài liệu cho Việt Minh...

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, đất nước ta giành được độc lập, nhưng liền sau đó rơi vào 30 năm chiến tranh (1945 – 1975) chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đế giữ gìn độc lập và thống nhất đất nước. Kinh tế Việt Nam mang đậm nét kinh tế thời chiến, với sự khác biệt của 2 miền Nam, Bắc. Miền Bắc phát triển nền kinh tế kế hoạch, vừa phục vụ chiến tranh vừa xây dựng nền tảng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật xã hội chủ nghĩa, kinh tế quốc doanh bao trùm toàn bộ nền kinh tế. Miền Nam phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, gắn với phục vụ đội quân Mỹ - nguy không lồ, vai trò của doanh nhân Việt Nam mờ nhạt so với các công ty nước ngoài và doanh nhân người Hoa.

Giai đoạn 10 năm sau khi đất nước thống nhất, từ 1975 – 1985 cả nước theo mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp. Nền kinh tế và các doanh nghiệp được Nhà nước quản lý, vận hành bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên chi tiêu pháp lệnh áp đặt từ trên xuống dưới. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tư nhân ở miền Nam cũng bị quốc hữu hoá, phần lớn số doanh nhân di tản ra nước ngoài hoặc chuyển nghề, rút khỏi thương trường. Đội ngũ doanh nhân theo đúng nghĩa của nó không còn tồn tại. Cùng với tác động của hậu quả chiến trang, sự cấm vận kinh tế, kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng, kiệt quệ, vô cùng khó khăn.

Năm 1986, Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nền kinh tế chuyển từ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế tư nhân được hồi sinh, phát triển bùng nổ, nền kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng cao, trung bình GDP tăng 11,09% mỗi năm trong giai đoạn 1986-2000. Cơ cấu kinh tế thay đổi với sự gia tăng mạnh mẽ của khu vực công nghiệp và dịch vụ. Số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh, cùng với đó là sự hình thành và phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới, trong đó phần đông là doanh nhân trẻ. Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam ra đời trong giai đoạn này và cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là 2 tổ chức chính thúc đẩy sự phát triển, liên kết của giới doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới. Hầu hết các doanh nhân hàng đầu Việt Nam hiện nay đều là những doanh nhẫn trẻ khởi sự kinh doanh trong giai đoạn này. Nét tiêu biểu của doanh nhân Việt Nam thời kỳ này những người sinh ra trong gian khó, nên rất táo bạo, sáng tạo, năng động và có ý chí, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu cho mình và cho đất nước.

Giai đoạn từ 2001 đến nay, nền kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam đứng ở đâu trong bản đồ kinh tế thế giới?

Ông Phạm Tấn Công: Kinh tế nước ta giữ nhịp tăng trưởng khá cao, GDP tăng bình quân 7,26% mỗi năm giai đoạn 2001-2010 và 6,3% giai đoạn 2011-2019. Các doanh nghiệp nước ngoài đổ xô đến Việt Nam, vừa góp phần tạo tăng trưởng kinh tế nhưng cũng tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng mở cửa thị trường trong nước, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do với nước ngoài, trở thành nền kinh tế có độ mở và hội nhập quốc tế hàng đầu thế giới. Năm 2001, quy mô xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 31,1 tỷ USD thì đến năm 2022 đã đạt 732,5 tỷ USD, tăng tới 23,5 lần. Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đến cuối năm 2022 nước ta có xấp xỉ 1 triệu doanh nghiệp, gần 30 nghìn HTX và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, tương ứng với đó là đội ngũ doanh nhân đông đảo hàng triệu người. Đội ngũ này đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam năm 2022 vươn lên đứng thứ 37 thế giới về quy mô GDP, nằm trong TOP 20 thế giới về quy mô thương mại quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay được hình thành trong thời kỳ đổi mới và có sự phát triển mạnh mẽ, ngoạn mục. Thời kỳ đầu, giai đoạn 1990 – 1999 cả nước. suốt 9 năm chỉ có 45 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (so với hiện nay chỉ riêng năm 2022 có trên 148 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới). Đến năm 2000 nước ta mới có 39 nghìn doanh nghiệp, năm 2010 có 279 nghìn, năm 2015 có 442 nghìn và năm 2022 đã đạt xấp xỉ 1 triệu doanh nghiệp. Dự kiến đến năm 2025 nước ta sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang miệt mài lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động trên mọi lĩnh vực kinh tế, mọi vùng miền của Tổ quốc, đồng thời từng bước tự tin tiến ra thế giới, đưa sản phẩm hàng hoá, dịch vụ Việt Nam đến hàng trăm quốc gia trên toàn cầu. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 6 vào Hoa Kỳ, vượt qua cả nước Anh, đối tác thương mại truyền thống của Hoa Kỳ. Một số doanh nhân Việt Nam đã có tên trong danh sách tỷ phủ toàn cầu, hiện có trên 1 nghìn 600 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn gần 22 tỷ USD, thực hiện tại khắp các châu lục.

Nét tiêu biểu của doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế là những người tự tin, có trình độ quản trị và kiến thức chuyên môn, có sự năng động, sáng tạo và có khát vọng đưa doanh nghiệp và đất nước phát triển ngang tầm với các quốc gia thuộc TOP đầu trong khu vực và thế giới, thực hiện nguyện ước của Bác Hồ đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò, vị trí của giới doanh nhân Việt Nam. Ông có những chia sẻ gì về vị trí của giới doanh nhân?

Ông Phạm Tấn Công: Ngày 18/9/1945, chỉ 16 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp, gặp gỡ giới doanh nhân Việt Nam tại Bắc Bộ phủ nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước.

Ngày 13/10/1945 Bác đã viết thư tay gửi giới công – thương, nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của giới công - thương là “hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”, đồng thời khẳng định: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết”.

Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam, để tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của giới doanh nhân Việt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, khẳng định: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vị trí của giới doanh nhân cũng lần đầu tiên được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Quốc hội, Chính phủ luôn đồng hành và đã thông qua nhiều văn bản luật pháp, chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, để doanh nhân Việt Nam thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đất nước ta đang hưởng đến mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, năm 2045 thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong giai đoạn phát triển mới này của đất nước, các yêu cầu về phát triển xanh, bền vững, toàn diện là ưu tiên hàng đầu, do đó cần xây dựng văn hoá kinh doanh thời kỳ mới của giới doanh nhân Việt Nam không, thưa ông?

Ông Phạm Tấn Công: Lúc này, giới doanh nhân Việt Nam không chỉ là có nhiều tiền mà phải có nhiều văn hóa. Chúng ta phải là một giới doanh nhân của quốc gia văn hóa và văn minh. Do đó, tôi kêu gọi tất cả các doanh nhân cùng dấn thân xây dựng một nền văn hóa kinh doanh quốc gia. Trong đó, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp chỉ là một góc, văn hóa truyền thông báo chí cũng chỉ là một phần. Chúng ta xây dựng văn hóa kinh doanh quốc gia sẽ chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm cuối.

Đây cũng là nhiệm vụ mà Đại hội VCCI toàn quốc lần thứ VII, tháng 12/2021 đã đặt ra. Với tầm nhìn “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”, Đại hội đã xác định trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 cần thực hiện 3 đột phá chiến lược, đó là: Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; Tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Để xây dựng các giá trị đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới, ngày 19/5/2022 nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh VCCI đã công bố và phát động thực hiện Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm 6 điều như sau: Tạo giá trị cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Chúng ta xác định mục tiêu xây dựng văn hóa kinh doanh quốc gia là thúc đẩy nhiệt huyết tinh thần kinh doanh tại Việt Nam, định hướng và thúc đẩy phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, văn minh, thịnh vượng.

Xin cảm ơn ông!

An Nguyên (thực hiện)