Ổn định chính trị là một yếu tố quan trọng và hấp dẫn nhất của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư

07:45 27/11/2020

Chuyên gia kinh tế học ASEAN Edward Teather, nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Cơ quan nghiên cứu kinh tế đa quốc gia UBS từng nhận định Việt Nam có triển vọng trở thành một trong những nền kinh tế sáng giá nhất châu Á, bất chấp thách thức và khủng hoảng từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ở góc độ khác, đại dịch cũng đã tác động đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đánh giá về vấn đề này, PV Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

PV: Xin ông cho biết, đại dịch Covid-19 xảy ra đã tác động như thế nào đến luân chuyển vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam?

Ông Nguyễn Minh Cường:Tôi đánh giá tác động Covid là rất mạnh, nó làm đứt gãy không chỉ đến chuỗi sản xuất mà còn là đứt gãy cả luồng vốn đầu tư.

Có thể nhìn thấy, tác động đầu tiên là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, không những chỉ ảnh hưởng với Việt Nam mà còn với tất cả các nước trên toàn cầu. Vì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao giờ cũng gắn với sự qua lại của các chuyên gia, mà các chuyên gia bây giờ vào Việt Nam rất hạn chế, cho nên dù họ có quan tâm để ý đến các dự án của Việt Nam thì sự hạn chế đi lại sẽ làm giảm bớt đi đi dòng đầu tư nước ngoài

Cái thứ hai phải kể đến là dòng vốn đặc biệt như dòng vốn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), hiện giờ dòng vốn này cũng đang sụt giảm rất mạnh và theo dự đoán thì có thể tới sang năm thì dòng vốn này mới có thể đổ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn. Thế nhưng thông thường, dòng vốn M&A sẽ giảm vào thời gian khủng hoảng. Các công ty lúc này người ta sẽ nhìn vào cơ cấu, định hình/ định dạng chiến lược của công ty rồi phải sau đó ít nhất 1 năm thì dòng vốn này mới phục hồi. Ngay như ở Việt Nam thì dòng vốn M &A cũng đang suy giảm.

Dòng vốn thứ ba là kiều hối cũng bị tác động. Theo nghiên cứu của ADB, kiều hối dự báo vào Việt Nam sẽ giảm 18%, đây là lượng giảm rất lớn. Tôi cho rằng, ba dòng vốn kể trên là FDI, M&A và kiều hối đều giảm do tác động của Covid.

Hiện giờ dòng vốn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng đang sụt giảm mạnh và theo dự đoán thì có thể tới sang năm thì dòng vốn này mới có thể đổ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Hiện giờ dòng vốn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng đang sụt giảm mạnh và theo dự đoán thì có thể tới sang năm thì dòng vốn này mới có thể đổ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn.

Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) quốc tế sẽ mang đến sự năng động và đổi mới cho Việt Nam trong bối cảnh mở rộng thị trường đầu tư. Vậy theo ông, các DNNVV khi đầu tư vào Việt Nam sẽ có những thế mạnh gì?

Ông Nguyễn Minh Cường: Vừa rồi chúng ta có chủ trương là thu hút “đại bàng”, nhưng thực ra những con “chim sẻ” như các DNNVV cũng rất quan trọng. Không những chỉ có đại bàng mà kể cả chim sẻ cũng mang đến sự đổi mới cho Việt Nam trong bối cạnh mở rộng thị trường đầu tư. Có lẽ không nên phân biệt giữa “đại bàng” và “chim sẻ”, vấn đề đầu tiên phải xác định là tiêu chuẩn thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Khi đạt những tiêu chuẩn đó, thì kể cả có là “chim sẻ” hay “đại bàng” đều có thể đáp ứng được những yêu cầu của các nhà đầu tư và Việt Nam. Tôi có thể ví dụ như bảo đảm về chuyển giao công nghệ, bảo đảm về môi trường, bảo đảm về công ăn việc làm, bảo đảm được sự kết nối giữa các khu vực sản xuất trong nước và khu vực đầu tư nước ngoài ( một đặc điểm yếu của VN), những tiêu chuẩn đó rất quan trọng khi vào Việt Nam, kể cả đó là những doanh nghiệp nhỏ và vừa quốc tế. Nếu như họ đáp ứng được thì họ cũng nên được chào đón, khuyến khích.

Cái thứ hai đối với DNNVV quốc tế cũng giống như các DNNVV Việt Nam, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ đó là tính linh hoạt. Khi họ vào Việt Nam, tất nhiên họ không sở hữu những công nghệ cao nhưng họ lại có tính linh hoạt cao. Họ có thể bảo đảm được sự kết nối, bởi vì tiêu chuẩn của họ không phải là tiêu chuẩn cao nhưng dù sao cũng đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, cho nên họ có thể bảo đảm kết nối được giữa doanh nghiệp trong nước với các chuỗi giá trị toàn cầu.

Điểm thứ ba nữa là đối với các DNNVV quốc tế, khi họ tiếp cận thị trường cũng như tiếp cận với các DNNVV Việt Nam thì chắc chắn sẽ uyển chuyển hơn trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường, điều này có được bởi sự linh hoạt. DNNVV quốc tế là những doanh nghiệp có sự linh hoạt về doanh số, về đội ngũ nhân viên, về lao động, cho nên họ có thể chủ động tiếp cận những thị trường ngách, điều mà những doanh nghiệp lớn chưa làm được.

Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Hội thảo khoa học
Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Hội thảo khoa học " Tác động của Covid-19 đối với DNNVV do VINASME và ADB chủ trì.

Kết quả kinh tế quý III đã cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi. Thậm chí Việt Nam còn được đánh giá là một trong những điểm sáng nhất trong khu vực về triển vọng kinh tế. Nhờ vậy mà chúng ta cũng được cho là thị trường tiềm năng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt đến từ các quốc gia khác như Indonesia và Ấn Độ hay các nước cùng khu vực ASEAN với hàng loạt các ưu đãi tài chính, sự hấp dẫn của Việt Nam liệu có giảm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài?

Ông Nguyễn Minh Cường: Thị trường Việt Nam khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài từ trước đến nay, kể từ khi nước ta bắt đầu mở cửa. Chúng ta là một nước có sự ổn định về chính trị, và chính sự ổn định chính trị đó lại rất ít các thị trường trong khu vực cũng như trên thế giới có thể đáp ứng được. Cho nên, từ khi đổi mới đến thời điểm này thì những yếu tố về ổn định chính trị là một yếu tố quan trọng và hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mình có thể nhìn ra các nước khác, như hàng xóm của Việt Nam là Thái Lan chẳng hạn, họ trải qua rất nhiều biến động chính trị đến tận bây giờ , nên bất cứ các các nhà đầu tư nào vào Thái Lan cũng phải tính đến câu chuyện liệu “phe áo đỏ”, “phe áo vàng” có mâu thuẫn tiếp tục không…

Vấn đề thứ hai, trong giai đoạn đầu của Việt Nam, các nhà đầu tư chủ yếu tìm đến ưu đãi thuế, ưu đãi về chính sách. Thế nhưng, bây giờ Việt Nam nên bỏ qua giai đoạn đó, bởi vì chúng ta đã đến giai đoạn không nên thu hút đầu tư nước ngoài bằng ưu đãi nữa. Thực ra rất nhiều ưu đãi của Việt Nam vào cái thời điểm trước thì phù hợp nhưng đến thời điểm này, chúng ta thấy có rất nhiều ưu đãi mang tác động ngược lại, tác động tiêu cực, điển hình là chuyển giá.

Vấn đề thứ ba, Việt Nam nên chuyển đến giai đoạn chú trọng về chất lượng, bởi vì vào giai đoạn này, Việt Nam nếu muốn thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, thì chúng ra cũng  phải có thể chế chất lượng cao, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, con người chất lượng cao, môi trường kinh doanh chất lượng cao. Những cái đó là những cái Việt Nam cần hướng đến hơn là những ưu đãi. Nền tàng tốt nhất của Việt Nam bao gồm yếu tố thứ nhất là ổn định chính trị, cái đó là nền tảng quan trọng cơ bản, sau đó là qua giai đoạn ưu đãi, và đến bây giờ nếu Việt Nam muốn hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, công nghệ cao thì Việt Nam cần phải bảo đảm những điều kiện có chất lượng cao ( như thể chế, môi trường kinh doanh, con người, vật chất, cơ sở hạ tầng). Hiện giờ, tôi cho rằng Việt Nam đang từng bước đạt được những cái đó. Ví dụ như là: cơ sở được khôi phục rất nhanh, có thể nói là đã ngang, thậm chí là vượt những nước trong khu vực. Tổng số km đường cao tốc lớn hơn Philippins. Tổng số km đường dải nhựa cũng hơn Philippins. Những năm 80-90 Việt Nam được đánh giá thấp hơn nhưng bây giờ đã vượt lên trên.

Có thể nói, chúng ta đã đáp ưng được một phần chất lượng nhưng để lâu dài thì vậy là chưa đủ. Ví dụ như cơ sở hạ tầng của Việt Nam bây giờ đang làm cho giá trị logistic đẩy lên 20% GDP. Vậy, câu chuyện ở đây là để thu hút được FDI, để cạnh tranh được với các nước trong khu vực, Việt Nam không nên cạnh tranh bằng ưu đãi nữa. Bản thân các nước trong khu vực, các tập đoàn lớn đầu tư giờ họ cũng không nhìn vào ưu đãi nhiều, mà nhìn vào các yếu tố khác nữa để quyết định.

Cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang làm cho giá trị logistic đẩy lên 20% GDP
Cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang làm cho giá trị logistic đẩy lên 20% GDP.

Điều cuối cùng, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong môi trường cạnh tranh thì cần phải có tiềm năng nhất định. Covid-19 vừa rồi đã cho thấy nền kinh tế nào là có khả năng có, sức chống chịu với những cú sốc( có thể là thiên tai, khủng hoảng, dịch bệnh).

Covid-19 vừa rồi cũng đã cho thấy nền kinh tế và thể chế chính trị của Việt Nam có khả năng chống chọi được với những cú sốc đột ngột và mạnh như là covid hay thiên tai, điều mà rất ít nền kinh tế trên thế giới có thể làm được.

Chốt lại, các nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào một môi trường đầu tư dài hạn, ngoài những vấn đề về chất lượng, thể chế, con người, cơ sở hạ tầng, còn nhìn vào khả năng nền kinh tế này chống chịu với những cú sốc như thế nào, khả năng chống chịu với những cú sốc luôn gắn liền với sự ổn định chính trị.

Để cạnh tranh với các nước khác trong khu vực về việc thu hút FDI, chúng ta  nên bỏ qua những ưu đãi mà hãy nhìn vào thế mạnh khác của Việt Nam như ổn định chính trị, khả năng chống trọi với các cú sốc và tăng cường điều kiện chất lượng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bảo Trinh (t/h)