Nới lỏng giãn cách, số thu thuế nội địa tháng 10 tăng cao

17:25 06/11/2021

Trong tháng 10, số thu ngân sách của ngành Thuế tăng mạnh so với những tháng trước đó do việc nới lỏng giãn cách xã hội, một số sắc thuế có số thu khởi sắc.

Số thu ngân sách tháng 10 tăng cao

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách tháng 10 năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 121.482 tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán.

Theo Tổng cục Thuế, số thu ngân sách tháng 10 tăng cao so với tháng 8 (68,8 nghìn tỷ đồng) và tháng 9 (52 nghìn tỷ đồng) là do có thu hồi tiền thuế đã hết thời gian gia hạn khoảng 20.000 tỷ đồng. Cùng với đó, số thu một số khoản phát sinh theo quý và năm khoảng 46.300 tỷ đồng, gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 3 (khoảng 29.600 tỷ đồng); thuế giá trị gia tăng quý 3 (khoảng 6.500 tỷ đồng); thuế thu nhập cá nhân quý 3 (khoảng 2.500 tỷ đồng); tiền thuê đất kỳ 2 trong năm (khoảng 4.000 tỷ đồng); thu cổ tức và lợi nhuận còn lại (3.741 tỷ đồng).

Như vậy, số thu phát sinh tháng 10 khoảng 55.100 tỷ đồng (tháng 8 là 54.790 tỷ đồng, tháng 9 là 50.772 tỷ đồng), trong đó, thuế thu nhập cá nhân tháng 10 đạt 9.442 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 khoảng 1.400 tỷ đồng (tháng 8 chỉ 640 tỷ đồng, tháng 9 là 685 tỷ đồng).

Ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế
Ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế.

Thu từ lệ phí trước bạ tháng 10 cũng có những chuyển biến tích cực, đạt 3.322 tỷ đồng, (tháng 9 là 1.930 tỷ đồng, tháng 8 là 984 tỷ đồng). Tổng cục Thuế lý giải, số thu tăng cao là do sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp và người dân tập trung lượng hồ sơ làm thủ tục trước bạ lớn.

Riêng đối với khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp tháng 10 ước đạt 44.600 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong quý 3 năm 2021, nhiều ngân hàng thương mại chưa thực hiện trích lập đủ quỹ dự phòng rủi ro theo quy định tại Thông tư số 03/TT-NHNN; nhiều doanh nghiệp chưa hạch toán đủ số chi phí cho hoạt động phòng chống dịch và ủng hộ quỹ vắc xin khi tính lợi nhuận để tạm nộp thuế trong 3 quý đầu năm dẫn đến số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp cao hơn thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì để có được kết quả trên là do ngành Thuế đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quản lý thuế. Trong đó cơ quan Thuế đã tích cực cải cách, hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách và đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế. Tính đến cuối tháng 10/2021, đã có tổng số 139.066 đơn đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 80.576 tỷ đồng.

Mới đây, ngay sau khi Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định 92/2021/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, Tổng cục Thuế đã tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố và một số bộ, ngành đề nghị phối hợp triển khai hiệu quả Nghị quyết 406; đồng thời chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai Nghị quyết; hướng dẫn việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng để người dân sớm nhận được những hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bình quân mỗi tháng phải thu tối thiểu 70.000 tỷ đồng

Theo Tổng cục Thuế, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách thì trong 2 tháng cuối năm, cơ quan Thuế còn phải thu khoảng từ 139.000 đến 140.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu tối thiểu 70.000 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh cơ quan Thuế tiếp tục thực hiện giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách được giao, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan Thuế các cấp tập trung thu kịp thời số thuế hết thời gian gia hạn vào ngân sách nhà nước; tổ chức đôn đốc, thu hồi nợ quyết liệt trong 2 tháng cuối năm phấn đấu giảm nợ khoảng 11.600 tỷ đồng.

Các đơn vị cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thanh, kiểm tra, khẩn trương hoàn tất các cuộc thanh tra, kiểm tra để đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách trong năm 2021, phấn đấu tăng thu khoảng 9.400 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra.

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý, giải quyết, thẩm định các hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp; tổng hợp kết quả xử lý của toàn ngành Thuế. Hướng dẫn, giải đáp và xử lý các vướng mắc trong quá trình giải quyết khoanh nợ, xóa nợ, gia hạn, miễn tiền chậm nộp và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị quyết số 94 của Quốc hội.

Đặc biệt, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan Thuế các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, chủ động xây dựng các chương trình đối thoại với doanh nghiệp bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tùy theo tình hình dịch bệnh, qua đó hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước.

PV (tổng hợp)