Những điều kiện “cần” để khởi động cải cách đã bắt đầu được gầy dựng

22:42 03/10/2022

Quan sát những chuyển động trong thời gian gần đây, từ hành động quyết liệt để chống tham nhũng, tư duy lại vai trò doanh nghiệp nhà nước, tuyên chiến với giấy phép con, tôi cho rằng, những điều kiện “cần” để khởi động cải cách đã bắt đầu được gầy dựng. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quang Đồng - chuyên gia chính sách công, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) về cải cách bộ máy hành chính nhà nước.

Ảnh minh họa

Theo ông Đồng, Việt Nam đang chịu áp lực lớn về cải cách khu vực sự nghiệp công. Trên thực tế, hai lĩnh vực dịch vụ công chiếm số lượng nhân sự nhiều nhất và chi phí lớn nhất ở Việt Nam là dịch vụ giáo dục và y tế. Nhưng chính trong hai khu vực này, năng lực của doanh nghiệp tư ở Việt Nam có thể tham gia rất tốt và giảm tải hiệu quả gánh nặng cho Nhà nước.

Với giáo dục thì đã rõ, hệ thống trường tư từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học ngày càng san sẻ tốt gánh nặng cho hệ thống trường công. Điểm mấu chốt là hệ thống trường nghề cũng cần được tạo điều kiện cho khu vực tư tham gia. Chỉ khi trường nghề tư được cạnh tranh bình đẳng với trường nghề công trong tiếp cận các gói ngân sách từ chương trình hỗ trợ đào tạo nghề của Nhà nước, hệ thống “đơn vị sự nghiệp” này mới có thể thay đổi.

Còn trong lĩnh vực y tế, “cởi trói” cho tư nhân tham gia bình đẳng vào thị trường dịch vụ y tế. Người dân có thể dùng thẻ bảo hiểm để khám ở bệnh viện công cũng như ở bệnh viện tư, trong những gói bảo hiểm khác nhau, điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh và tạo sự phát triển cho dịch vụ y tế.

Nhóm dịch vụ công thứ ba là dịch vụ liên quan đến nghiên cứu khoa học. Nhóm viên chức chiếm số lượng lớn thứ ba hiện nay là nhóm làm việc trong các viện nghiên cứu hoặc các trường đào tạo của từng bộ ngành. Hầu hết bộ ngành, mỗi bộ đều có vài viện, trường làm chức năng nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên môn nghề nghiệp dưới các hình thức viện nghiên cứu chiến lược chính sách; viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật ngành, trường đào tạo cán bộ ngành. Cần kiên quyết giải thể phần lớn các viện này. Nhà nước khi cần sử dụng dịch vụ nghiên cứu, đào tạo có thể áp dụng phương thức “giao thầu”. Theo đó, thực hiện theo cách thức “ra đề bài”, mời thầu nghiên cứu công khai và trả tiền theo kết quả. Cách tiếp cận này có thể giúp cắt giảm được một số lượng lớn đầu mối đơn vị sự nghiệp lẫn biên chế viên chức, đồng thời nâng cao được hiệu quả sử dụng ngân sách cho lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo ở các bộ, ngành hiện nay.

Ông Đồng choo biết, tinh giản biên chế phải căn cứ trên tư duy lại, định nghĩa lại về chức năng của Nhà nước trong cung ứng dịch vụ công. Từ đó kết hợp với đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ. Đó là một khối lượng công việc lớn với nhiều trở lực. Tuy nhiên, để phát triển một Nhà nước kiến tạo với một nền hành chính tinh gọn, mạnh và hiệu quả, phải có những cải cách mạnh mẽ.

Cái được lớn nhất của cải cách không đơn thuần là tiết kiệm biên chế và chi thường xuyên cho con người. Cái được lớn hơn là chất lượng quản trị và điều hành quốc gia, chất lượng hoạch định và thực thi chính sách, những yếu tố chỉ có thể có được khi có triết lý quản trị quốc gia tốt và tổ chức bộ máy tốt, đi cùng là nhân sự tốt.

"Quan sát những chuyển động trong thời gian gần đây, từ hành động quyết liệt để chống tham nhũng, tư duy lại vai trò doanh nghiệp nhà nước, tuyên chiến với giấy phép con tôi cho rằng, những điều kiện “cần” để khởi động cải cách đã bắt đầu được gầy dựng.

Cá nhân tôi rất tâm đắc với triết lý “không gì có thể bắt đầu nếu không có con người; và không có gì bền vững nếu thiếu thể chế”. Những hành động chống tham nhũng quyết liệt và cụ thể gần đây đã tạo “dọn” những con người cụ thể, vốn là rào cản cải cách, ra khỏi bộ máy; mở đường cho những nhân tố con người mới có thể cải cách", ông Nguyễn Quang Đồng - chuyên gia chính sách công, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) đưa ra những kế sách để cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hiệu quả.

Thanh Hà (t/h)