Nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp tại Hà Nội

19:40 05/09/2022

Thành phố yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát, bố trí các điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; nghiên cứu làn đường cho xe đạp khi phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo trật tự, an toàn, giảm ùn tắc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 vừa ban hành, chính quyền thủ đô đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó có rà soát, bố trí các điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.

Một trong những giải pháp đáng chú ý được Hà Nội đặt ra đó là chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu, quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị.

Những năm qua, Hà Nội thí điểm phân làn, tách dòng phương tiện giữa ôtô, xe máy, xe thô sơ ở nhiều tuyến đường nhưng chưa có làn đường riêng cho xe đạp. Thành phố cũng nhiều lần có kế hoạch cho thí điểm dịch vụ xe đạp cho thuê tại một số quận nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Tính đến tháng 7/2022, Hà Nội có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn 1 triệu ôtô, gần 6,5 triệu môtô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện. Riêng với xe đạp, nhiều năm qua không có số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng của thành phố.

Để đạt được kế hoạch đề ra, TP Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình giao thông có vai trò giảm ùn tắc.

Cụ thể, Hà Nội tập trung đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai, các trục giao thông hướng tâm, hệ thống cầu qua sông, các nút giao thông trọng điểm…

Các trục hướng tâm, trục chính đô thị chủ yếu, các tuyến có tính liên vùng; hệ thống cầu qua sông; các nút giao thông trọng điểm, nút giao khác mức; các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch; công trình cấp bách giải quyết ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông cũng sẽ được đầu tư.

Thành phố lên kế hoạch tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông, đồng thời xây dựng các trạm dừng nghỉ theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu dọc các tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh, đảm bảo người lái xe không quá 4 giờ được dừng nghỉ.

Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tăng cường quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường để đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ; quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường làm điểm trông giữ xe; không để tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh gây cản trở giao thông.

PV(t/h)