Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã có cuộc trao đổi cùng ông Abraham Nguyễn Quang Huy - Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (VNSIF) và Quỹ Phát triển đất nước (VNFDI), Phó Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, để hiểu rõ hơn về tinh thần, tầm vóc và tác động thực tế của Nghị quyết này.
Phóng viên (PV): Thưa ông Abraham Nguyễn Quang Huy, vì sao ông cho rằng Nghị quyết số 68 là “cuộc cởi trói lần hai” của kinh tế tư nhân?
Ông Abraham Nguyễn Quang Huy: Như chúng ta đã biết, có thể gọi “Cởi trói” lần đầu là Đổi mới 1986, khi chúng ta thừa nhận vai trò kinh tế tư nhân và xóa bỏ bao cấp. Nhưng đến nay, dù khu vực tư nhân đã đóng góp hơn 50% GDP, tạo hơn 82% việc làm và đóng góp hơn 30% ngân sách, vẫn còn nhiều “vòng kim cô” về định kiến, thể chế, pháp lý, chính sách khiến khu vực này chưa thể phát triển tương xứng tiềm năng.
Nghị quyết số 68 đánh dấu sự thay đổi từ gốc rễ: tư duy, nhận thức và hành động chính sách. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị xác định rõ, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Không còn “khuyến khích” hay “ưu tiên” nữa, mà là đặt doanh nghiệp tư nhân vào vị trí trung tâm của công cuộc phát triển đất nước. Đó là sự “cởi trói về thể chế”, “đổi vai” thật sự tạo không gian chính sách cởi mở và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, “Khai phóng kinh tế tư nhân là khai mở tương lai quốc gia.”
![]() |
Ông Abraham Nguyễn Quang Huy - Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (VNSIF) và Quỹ Phát triển đất nước (VNFDI), Phó Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia |
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những nội dung then chốt trong Nghị quyết?
Ông Abraham Nguyễn Quang Huy: Nghị quyết số 68 đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, có thể xem là “kiến trúc chính sách tổng thể” cho kinh tế tư nhân. Tôi xin điểm nhanh một số nội dung nổi bật:
Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức: Nhà nước từ “quản lý” sang “kiến tạo, phục vụ”. Đây là thay đổi mang tính nền tảng, mở ra kỷ nguyên mới về quản trị quốc gia, khai phóng nguồn lực đất nước.
Cải cách thể chế rất rõ ràng: Cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ và điều kiện kinh doanh vào năm 2025. Đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 3 ASEAN, top 30 thế giới về môi trường kinh doanh đến 2028.
Bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh: Thanh tra tối đa 1 lần/năm (trừ trường hợp vi phạm rõ ràng), hoàn thiện luật thực thi hợp đồng, phân định rõ trách nhiệm hành chính, dân sự, hình sự.
Tăng tiếp cận nguồn lực: Số hóa quản lý đất đai, tín dụng xanh, phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng, chương trình đào tạo 10.000 CEO, nhằm khơi thông dòng vốn, đất và nhân lực chất lượng cao.
Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo: Sandbox cho AI, blockchain, thương mại điện tử; miễn thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp; cho phép trích 20% thu nhập chịu thuế lập quỹ công nghệ, một cú hích cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tăng liên kết doanh nghiệp: Khuyến khích liên minh giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và FDI; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát triển doanh nghiệp lớn tư nhân, doanh nghiệp Quốc dân: Cho phép tham gia dự án quốc gia (giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục…); xóa thuế khoán trước năm 2026; miễn phí nền tảng kế toán số cho hộ kinh doanh.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân có đạo đức và trách nhiệm: Phát triển văn hoá kinh doanh, đưa giáo dục khởi nghiệp vào trường học, thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khát vọng cống hiến trong lớp trẻ.
PV: Theo ông, đâu là những chính sách đột phá nhất mang dấu ấn cải cách?
Ông Abraham Nguyễn Quang Huy: Tôi đặc biệt ấn tượng với 5 điểm sau:
Cải cách hành chính “đo đếm được”: Lần đầu tiên, Nghị quyết quy định rõ tỉ lệ cắt giảm thủ tục và chi phí, thay vì chỉ nêu định hướng. Đây là một bước tiến lớn về quản trị công.
Sandbox cho công nghệ mới: Mở cơ hội cho mô hình kinh doanh mới thử nghiệm mà không bị “bó” bởi quy định cũ. Điều này thể hiện chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy “quản không được thì cấm” sang “tạo không gian để đổi mới sáng tạo”.
Chính sách tài chính sáng tạo: Thử nghiệm cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng, phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng, giúp doanh nhân, doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả hơn và khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư cho khởi nghiệp.
Ưu đãi thuế cho R&D: Cho phép tính 200% chi phí nghiên cứu vào chi phí thuế, và trích 20% lợi nhuận để lập quỹ công nghệ. Chính sách này tạo động lực thật sự để doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, chuyển giao công nghệ, phát triển bền vững.
Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp: Xóa thuế khoán, miễn phí nền tảng kế toán số, khuyến khích hàng triệu hộ kinh doanh “chính thức hóa” để tiếp cận thị trường vốn và luật chơi toàn cầu.
PV: Ông đánh giá thế nào về khả năng tác động của Nghị quyết này đến doanh nghiệp và nền kinh tế?
Ông Abraham Nguyễn Quang Huy: Thật sự là rất lớn. Nếu được thực hiện đúng và đồng bộ, Nghị quyết 68 sẽ mở ra một hệ sinh thái kinh doanh minh bạch, hiện đại và hiệu quả, thực hiện được mục tiêu xây dựng, phát triển ‘dân giàu - nước mạnh - dân chủ - văn minh”. Mục tiêu 2030, 2 triệu doanh nghiệp, đóng góp 58% GDP. Tầm nhìn 2045 là 3 triệu doanh nghiệp, trên 60% GDP là hoàn toàn khả thi và có thể đặt hơn kỳ vọng. Quan trọng hơn, các chính sách này sẽ tạo nền tảng cho Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, đón làn sóng đầu tư mới, kết nối sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, chính sách tốt đến mấy cũng cần thực thi nghiêm túc. Đó là lý do tại sao tôi đánh giá rất cao khi Nghị quyết đi kèm với Nghị quyết 66 về đổi mới công tác lập pháp, điều này sẽ giúp các chính sách được cụ thể hóa nhanh chóng, rõ ràng và phù hợp thực tiễn.
PV: Trong Nghị quyết có nêu “Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp”, điều này có ý nghĩa thế nào trong thực tế, thưa ông?
Ông Abraham Nguyễn Quang Huy: Đây là một nguyên tắc pháp lý rất quan trọng. Việc không áp dụng hồi tố những quy định bất lợi giúp doanh nghiệp yên tâm khi đưa ra các quyết định kinh doanh dựa trên khung pháp lý hiện hành. Nó đảm bảo tính dự báo, ổn định và công bằng trong môi trường pháp lý những yếu tố sống còn với niềm tin thị trường, đối tác, khách hàng và nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài FDI.
Chính sách này thể hiện rõ tinh thần “tôn trọng và bảo vệ quyền công dân, quyền tự do kinh doanh” như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh. Nó cũng là minh chứng cho tư duy lập pháp tiến bộ, chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”, tạo ra một hệ sinh thái pháp lý thân thiện và công bằng, minh bạch cho doanh nghiệp phát triển bền vững. “Muốn đất nước thịnh vượng, phải khai phóng toàn diện cho kinh tế tư nhân.”
PV: Lời khuyên nào ông muốn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp?
Ông Abraham Nguyễn Quang Huy: Theo tôi, doanh nhân, doanh nghiệp cần thích ứng nhanh 3 điều: Chủ động chuyển đổi số và xanh hóa, tận dụng chính sách ưu đãi về thuế, chuyển giao công nghệ, tài chính; Nâng cao năng lực quản trị, phát triển văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu theo tiêu chuẩn quốc tế để dễ dàng tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu; Tham gia vào các chương trình hỗ trợ: quỹ tín dụng, đào tạo nhân lực, số hóa, những “bệ phóng mềm” cực kỳ hữu ích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Và trên hết, hãy giữ cho mình một khát vọng lớn, một tinh thần khởi nghiệp không ngừng. Trong bối cảnh mới, “người đi nhanh không phải người mạnh nhất, mà là người liên kết tốt và thích ứng nhanh nhất.” “Khai phóng kinh tế tư nhân là khai mở tương lai quốc gia.”
Trân trọng cảm ơn ông!