![]() |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội |
Theo ông Sơn, tình trạng nghệ sĩ góp mặt trong các quảng cáo sai sự thật đang trở nên phổ biến trên mạng xã hội, gây nên nhiều hệ lụy cho cộng đồng. Đây không đơn thuần là vấn đề thị trường, mà còn liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, lương tâm người làm nghệ thuật và trách nhiệm công dân trong thời đại truyền thông số.
“Nghệ sĩ không chỉ là người biểu diễn, mà còn là người định hình xu hướng tiêu dùng, truyền cảm hứng sống và tác động trực tiếp đến hành vi xã hội, đặc biệt là giới trẻ”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định. “Mỗi lời giới thiệu, mỗi câu quảng cáo đều có sức nặng, bởi đằng sau họ là hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người hâm mộ đang tin tưởng và làm theo.”
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít nghệ sĩ sẵn sàng “bán giọng nói, hình ảnh, danh tiếng” để đổi lấy các hợp đồng quảng cáo, bất chấp chất lượng sản phẩm. Nhiều người còn không rõ mình đang quảng bá cho sản phẩm gì, chỉ quan tâm đến khoản thù lao được nhận.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: “Làm nghệ thuật không chỉ là biểu diễn, mà còn là gìn giữ danh dự. Mỗi sản phẩm được gắn với hình ảnh nghệ sĩ là một cam kết ngầm với công chúng. Nếu sản phẩm sai phạm, nghệ sĩ không thể chối bỏ trách nhiệm. Không thể vừa nhận tiền, vừa phủi tay khi hậu quả xảy ra.”
Trước thực trạng trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất bổ sung quy định liên quan đến hoạt động của người có ảnh hưởng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2024. Theo đó, người tham gia quảng cáo phải có hợp đồng rõ ràng và cung cấp bằng chứng về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm, nếu chia sẻ trải nghiệm cá nhân.
Mặc dù quá trình hoàn thiện luật cần thời gian, nhưng không thể để sự chậm trễ trở thành “kẽ hở” cho các hành vi gian dối tiếp diễn. Hiện nay, bên cạnh Luật Quảng cáo năm 2012, còn có các quy định liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, y tế, thương mại… vẫn đang có hiệu lực và cần được áp dụng nghiêm túc.
“Không thể lấy lý do ‘luật chưa sửa’ để biện minh cho việc quảng cáo sai sự thật. Các cơ quan chức năng cần hành động kịp thời để bảo vệ người tiêu dùng, giữ gìn sự trong sạch của môi trường nghệ thuật và danh dự của những nghệ sĩ làm nghề nghiêm túc”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định, nghệ sĩ không thể tiếp tục mang tâm thế “người đọc kịch bản”, rồi phủ nhận trách nhiệm khi khán giả bị lừa và người tiêu dùng chịu thiệt hại.
Bài liên quan |
Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý như thế nào? |
Bộ Công an cùng Bộ Y tế phối hợp xử lý vụ sản xuất sữa giả quy mô lớn |