Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử lý như thế nào? Nghệ sĩ không thể đứng ngoài trách nhiệm khi quảng cáo sai sự thật |
Những năm gần đây, “nở rộ” tình trạng quảng cáo trên nền tảng số có sự tham gia của các KOL, người có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực, ngành nghề đối với xã hội. Những người này tổ chức các phiên livestream trải nghiệm sản phẩm và đưa ra đánh giá, nhận xét chủ yếu theo quan điểm và góc nhìn cá nhân.
Tuy nhiên, vì là những người truyền cảm hứng, dẫn dắt dư luận, có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của người khác, được cộng đồng mạng tin tưởng... nên nhanh chóng tạo sự tin tưởng từ khách hàng.
![]() |
Những năm gần đây, “nở rộ” tình trạng quảng cáo trên nền tảng số có sự tham gia của các KOL |
Một ví dụ điển hình tại sự kiện Online Friday 2024 diễn ra cuối năm ngoái, chỉ trong một tuần (từ ngày 25/11-1/12) Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday 2024 đã có gần 4.750 video hưởng ứng được đăng tải trên TikTok, hơn 900 phiên livestream bán hàng trên TikTok Shop đã được thực hiện.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, có những phiên livestream của KOL thu hút hơn 24 triệu lượt xem và bán ra 31.179 đơn hàng qua nền tảng TikTok Shop. Nhiều sản phẩm nhanh chóng “cháy hàng” sau 10 phút mở bán, như 498 combo 2 túi Gạo ST25 (5kg/túi) của Vua Gạo, hay combo 30 đôi đũa và thớt tre thái của Tre Phương Bắc đạt tổng cộng 547 đơn hàng chỉ sau 15 phút...
Rõ ràng, các thương vụ hợp tác cùng người nổi tiếng những năm gần đây đã trở thành chiến lược kinh doanh hiệu quả tăng doanh thu thông qua lượng fan khổng lồ của người nổi tiếng.
Thế nhưng tất cả sự thật không như lời nói. Nhiều vụ việc liên quan đến quảng cáo sai sự thật, sản xuất kinh doanh thuốc, sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả từ các KOL, nghệ sĩ, MC… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, gây bức xúc dư luận đã bị phanh phui.
Một số vi phạm điển hình được chỉ ra, như: Nghệ sĩ, MC, người có ảnh hưởng tham gia quảng bá các sản phẩm chưa qua kiểm chứng hoặc có nội dung thổi phồng công dụng diễn ra phổ biến; quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh; quảng cáo khi chưa được cơ quan chức năng xác nhận nội dung; sử dụng thông tin sai lệch về chất lượng, xuất xứ…
Điển hình nhất phải kể đến vụ Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt liên quan đến Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) và Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs). Mới đây, Biên tập viên Quang Minh và MC Vân Hugo cũng đã bị xử phạt hành chính, buộc cải chính vì quảng cáo sai sự thật.
Nóng trên nghị trường những ngày qua, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến việc cần thiết phải siết lại quản lý trong lĩnh vực này. Phải có cơ chế tăng trách nhiệm pháp lý, thậm chí là trách nhiệm bồi thường nếu người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị có quy định về chế tài và trách nhiệm của những người quyết định hoặc trực tiếp tham gia xây dựng pháp luật, theo nguyên tắc quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm hành chính, và thậm chí là trách nhiệm lịch sử.
Kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới, người nổi tiếng phải tiết lộ mối quan hệ tài chính với thương hiệu khi thực hiện quảng cáo. Ví dụ tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang yêu cầu người nổi tiếng phải công khai mối quan hệ tài chính với nhãn hàng và đảm bảo nội dung quảng cáo không gây hiểu lầm.
Hàn Quốc thì cấm tuyệt đối quảng cáo trá hình, nếu vi phạm có thể bị phạt tới 500 triệu won (khoảng 8,7 tỷ đồng). Năm 2022, quốc gia này cũng bổ sung cấm nghệ sĩ làm gương mặt đại diện cho các hãng rượu để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.
Các quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo tính trung thực trong hoạt động quảng cáo. Người nổi tiếng cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật khi tham gia quảng cáo để tránh các hậu quả pháp lý và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân.
Theo chia sẻ của giới luật sư: Hành vi quảng cáo sai sự thật của bất kỳ tổ chức cá nhân nào cũng sẽ gây ra những hệ lụy trong môi trường kinh doanh, làm nhiễu loạn thị trường kinh doanh, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Với những người nổi tiếng thì hành vi quảng cáo sai sự thật là tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hoạt động gian lận thương mại.
Từ thực tế cho thấy, livestream cùng KOL cũng chỉ là một hình thức marketing. Và dù sử dụng hình thức marketing nào thì con đường đến thành công luôn cần phải có một chân dung khách hàng đúng đắn và chiến lược kinh doanh cụ thể, rõ ràng.
Ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Chỉ thị số 13/CT - TTg, về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị quảng cáo, cơ quan thực hiện việc quảng cáo, những cá nhân, nghệ sỹ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội. |