Nghệ An: Phát triển chuỗi giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện đại, bền vững về kinh tế - xã hội – môi trường

12:19 28/08/2021

Đó là một trong những mục tiêu được đề ra trong Quy chế hoạt động của Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ vừa được UBND tỉnh Nghệ An ban hành…

Theo đó, Quy chế nêu trên được UBND tỉnh Nghệ An ban hành với mục tiêu: Thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp; phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của toàn khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Xây dựng Nghệ An thành trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ lớn ở Bắc Trung Bộ và khu vực Miền Trung. Đồng thời, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đến năm 2025 của vùng Bắc Trung Bộ đạt khoảng 2 tỷ USD, định hướng đến năm 2035 đạt khoảng 3 tỷ USD. Qua đó, góp phần đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ của cả nước đến năm 2025 đạt từ 18 đến 20 tỷ USD. 

 Gắn biển Trung tâm giống và công nghệ cao thuộc Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bắc Trung Bộ tại Nghệ An (Nguồn ảnh: TTXVN)

Quy chế này quy định về hoạt động và tổ chức quản lý của Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 31/3/2021. Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu, phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực lâm nghiệp, lĩnh vực sản xuất giống lâm nghiệp, trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ. Hoạt động của Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Hoạt động khoa học và công nghệ; hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lâm nghiệp; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Đối với hoạt động khoa học và công nghệ: Tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp (giống, trồng rừng thâm canh, sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ); nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp. Triển khai các mô hình khảo nghiệm, lưu giữ các nguồn gen quý hiếm về cây trồng được nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao từ các cơ sở nghiên cứu trong nước và nước ngoài. 

  Phối cảnh Khu lâm nghiệp công nghệ cao

Đối với hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lâm nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục & đào tạo và các quy định khác liên quan. Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: Tập trung sản xuất sản phẩm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; thực hiện các hoạt động thương mại ngành gỗ; tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện dịch vụ tư vấn công nghệ cao trong lâm nghiệp, dịch vụ cung ứng vật tư, thiết bị và tiêu thụ sản phẩm; các dịch vụ dân sinh khác; tham gia các hoạt động ươm tạo công nghệ cao lĩnh vực lâm nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Giao Sở NN&PTNT quản lý hoạt động của Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng đối với Phân khu 3 - Sàn giao dịch kết hợp triển lãm giới thiệu gỗ nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ tại địa bàn các xã: Nghi Xá, Khánh Hợp (huyện Nghi Lộc) thuộc phạm vi Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam do Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam quản lý nhà nước theo quy định.

Đươc biết, Quy chế này áp dụng đối với: Tổ chức, công dân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia vào hoạt động lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Văn Cương – Hương Giang