Hội thảo "Thuê tài chính - Kênh tiếp cận vốn trung dài hạn hiệu quả, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa". |
Tham dự và chia sẻ tại Hội thảo “Thuê tài chính – Kênh tiếp cận vốn trung dài hạn hiệu quả, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa”, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng. ThS. Bùi Quang Dũng - Giám đốc đào tạo Công ty Giải pháp phát triển doanh nghiệp TOT trình bày về các giải pháp quản lý tài chính hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; ông Hoàng Văn Phúc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV – SUMI TRUST chia sẻ về thuê tài chính – nguồn vốn trung dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp; Ths. Thiều Kim Cường - Giám đốc đào tạo CTCP Kim Bảo Nam lý giải về các lợi ích từ thuê tài chính và phương pháp hạch toán kế toán tài sản tài chính…
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia và gần 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. |
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia đã thông tin về thực trạng thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn vừa qua; kinh nghiệm cho thuê tài chính, hỗ trợ tín dụng trung và dài hạn cho DNNVV tại các quốc gia. Theo TS. Cấn Văn Lực, để tháo gỡ khó khăn liên quan đến Đề án Hỗ trợ DNNVV, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo khảo sát tổng thể các kênh tín dụng hỗ trợ tài chính với DNNVV, giảm thuế TNDN với DNNVV. VCCI cũng đang đề xuất với Chính phủ các giải pháp để nâng cao hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV; xây dựng, đa dạng hóa các nguồn, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp; thông qua cơ chế dùng 1 Luật để sửa nhiều Luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại hội thảo |
Tại Việt Nam, những năm vừa qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước qua các cơ chế chính sách ưu tiên hỗ trợ, doanh nghiệp ngày càng phát triển và đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế ngày càng lớn. Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp, nhất là DNNVV vẫn khó khăn; quy mô nguồn vốn và quỹ hỗ trợ cho thuê tài chính còn quá nhỏ so với các nguồn vốn hỗ trợ khác; khả năng hội nhập quốc tế của doanh nghiệp còn yếu và khó tiếp cận vốn… Thông qua những con số minh chứng cụ thể, TS. Cấn Văn Lực phân tích cơ cấu vốn trong DNNVV. Qua đó, cho thấy khó khăn lớn nhất cản trở doanh nghiệp là thiếu vốn. Vì vậy, nếu không có kênh tiếp cận vốn hiệu quả và nếu đi vay lãi cao thì doanh nghiệp hoạt động khó khăn, rủi ro cao. TS. Cấn Văn Lực nhận định: “Doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa biết cách huy động vốn từ thị trường chứng khoán; doanh nghiệp Việt chưa tiếp cận thị trường vốn quốc tế; chưa huy động và phát huy hiệu quả kênh huy động tài chính, quỹ bảo lãnh phi ngân hàng…”.
Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng và đã tham gia ký kết được nhiều FTA. Việc tham gia các FTA đã thực sự tạo thêm động lực và đem lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam. Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA. Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường để các sản phẩm Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp gặp phải là tiếp cận vốn và thị trường. VCCI trong những năm qua cũng thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và tăng cường các nguồn, các giải pháp về tài chính, nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn cho doanh nghiệp. Từ đó, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, nguyện vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp. “Thông qua thuê tài chính, doanh nghiệp có thể nhanh chóng đưa máy móc, trang thiết bị vào vận hành, đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng với số lượng lớn, gấp mà chi phí bỏ ra không quá nhiều”.