Nghệ An chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản tại các địa phương trong điều kiện dịch Covid-19

18:07 28/06/2021

UBND tỉnh Nghệ An vừa chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tiêu thụ, vận chuyển nông sản tại các địa phương trong điều kiện dịch Covid-19 đang xảy ra trên địa bàn tỉnh này…

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương nghiên cứu, xây dựng quy trình xác nhận và chỉ định đơn vị xác nhận quy trình sản xuất, thu hoạch và vận chuyển nông sản đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế. Đồng thời, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành địa phương có liên quan cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phân phối hàng hóa mở thêm các điểm bán hàng nông sản an toàn thực phẩm để kịp thời phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay giãn cách, cách ly xã hội, nhưng đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch Covid-19 theo đúng quy định. 

  Nông dân huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) thu hoạch dưa hấu mùa vụ 2021.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Công an tỉnh, thành phố Vinh tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng của các địa phương lưu thông trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện cho phép lưu thông nông sản đối với hàng hóa, lái xe và phương tiện vận tải giữa các vùng có dịch và các vùng có nguy cơ cao với các khu vực khác khi có Giấy xác nhận của cơ quan y tế địa phương về đảm bảo an toàn dịch bệnh Covid-19.

Được biết, liên quan đến vấn đề nêu trên, trước đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát kế hoạch sản xuất thời vụ đảm bảo gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản. Chủ động xây dựng các phương án và kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch Covid-19,  đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản của địa phương có sản lượng lớn chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản, thủy sản và các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết. 

  Bí xanh của nông dân huyện Con Cuông (Nghệ An).

Mặt khác, theo dõi chặt chẽ diễn biến và chỉ đạo phòng trừ kịp thời các sinh vật gây hại trên cây trồng, vật nuôi. Chủ động thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh để đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Giám sát, kiểm tra chặt chẽ các vùng trồng, nuôi, cơ sở đóng gói trên địa bàn, đảm bảo nông sản được xuất khẩu đúng từ các vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng, đóng gói tại cơ sở đã được cấp mã số tránh không để xảy ra tình trạng “mạo danh” mã số làm ảnh hưởng đến thương mại.

Thông qua văn bản trên, Bộ NN&PTNT yêu cầu Sở NN&PTNT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ trong việc hoàn tất các hồ sơ kỹ thuật phục vụ cho việc đàm phán dỡ bỏ rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường nông sản. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ kiểm dịch thực vật trong quá trình giám sát xử lý và kiểm dịch tại gốc ở địa phương đối với các lô hàng xuất khẩu để rút ngắn thời gian thông quan ngoài cửa khẩu. Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương trong việc  triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa vụ của địa phương.

Văn Cương – Hoàng Lan