Ngành Ngân hàng: Điểm sáng trong hành trình phục hồi kinh tế của Việt Nam

07:29 15/02/2024

Trong một cuộc trao đổi giữa báo chí với ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital, ông đã đánh giá cao vai trò quan trọng của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital

Dưới góc nhìn của quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital cho biết, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngành Ngân hàng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đảm bảo kiểm soát lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những thách thức.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn khá yếu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt hơn 9% (đến hết năm 2023 đạt 13,71% - PV), thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, như: môi trường quốc tế kém thuận lợi, nợ xấu gia tăng, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản…

Ông Taylor nhấn mạnh rằng Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các giải pháp kịp thời và hiệu quả để giúp cả nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chính sách điều hành linh hoạt, chủ động trong điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, và việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh giá ngành Ngân hàng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để vượt qua khó khăn, như: chủ động, linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ban hành các chính sách mới có tác động giúp tăng thanh khoản cho thị trường tài chính và hỗ trợ thị trường bất động sản, tăng cường giám sát và kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực quản trị và áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng".

Nói về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024, ông Taylor lưu ý rằng sự hồi phục trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ trong nước sẽ đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP lên khoảng 6,5%. Sự ổn định trong ngành ngân hàng, cùng với các biện pháp kiểm soát lạm phát, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản.

"Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng trở lại từ mức 5,05% trong năm 2023 lên khoảng 6,5% trong năm 2024. Đây cũng là mục tiêu tăng trưởng vừa được Quốc hội thông qua. Sự phục hồi tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, du lịch và đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ trong nước. Những lực đẩy quan trọng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế không chỉ cho năm sau, mà còn nhiều năm sắp tới.

Trong đó, lực đẩy từ lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Hiện, chúng ta đã quan sát được những dấu hiệu cho thấy giai đoạn các nhà bán lẻ Mỹ giảm lượng nhập hàng mới và chủ yếu bán hàng tồn kho sắp kết thúc. Điều này có nghĩa rằng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, sẽ tăng trở lại trong năm sau. Từ đó, chúng tôi cũng kỳ vọng sản lượng sản xuất của Việt Nam sẽ tăng trở lại từ mức chỉ khoảng 1% trong năm 2023 lên mức 8-9% trong năm 2024", ông Taylor cho biết.

Trong bối cảnh này, ông Taylor kỳ vọng rằng ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những bước tiến đã đạt được. Ông nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng sẽ rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong năm mới 2024.

"Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Các nhà đầu tư quốc tế luôn đánh giá cao sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội của Việt Nam, cũng như triển vọng về tăng thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân Việt Nam. Sự hấp dẫn của Việt Nam càng được tăng cường khi các tập đoàn đa quốc gia đang áp dụng chiến lược Trung Quốc +1 và triển khai các dự án tại đây. Ngoài ra, khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong 2-3 năm tới cũng là một điểm sáng.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi dự đoán rằng năm 2024 sẽ là thời điểm của sự bứt phá và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đã thích ứng với tình hình mới. Sự hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Chúng tôi hy vọng rằng ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển những tiến bộ đã đạt được, và sẽ chuẩn bị cho những thách thức và cơ hội trong năm tới", ông Taylor nhấn mạnh.

Dạ Lan t/h