Tại sao đất nước đang có cơ hội làm ăn lớn mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân hành xử như là đã không cần chữ tín! Phải chăng sức mạnh đồng tiền và những thành công lớn đã làm người ta ngưỡng mộ cái triết lý chết người “cái gì không mua được băng tiền thì mua được bằng nhiều tiền”. Với triết ấy người ta nghĩ rằng chữ tín cũng mua được! Và nhiểu người đã dùng nhiều chiêu trò ở chừng mực nhất định, thời điểm nhất định họ đã mua được. Nhưng chữ tín khác với vàng, khác với kim cương, khác với bất cứ hàng hóa nào ở chỗ mua được chưa chắc đã giữ được. Giữ không được thì nói gì đến sử dụng nó! Điều đặc biệt là khi mất chữ tín sẽ kèm theo mất mát vô cùng to lớn, có thể dẫn đến sụp đổ! Vậy chữ tín là gì mà ghê gớm thế?! Và ghê gớm thế sao người ta lại có thể quên lãng nó?!
Quan niệm của người xưa về chữ tín
Văn hóa Việt Nam và Văn hóa Trung Hoa có nhiều nét tương đồng, nhất là trong đường ăn, ý ở tuân thủ đạo làm người theo quan niệm của người xưa. Có nhiều quan niệm cổ hủ, nhưng cũng không ít quan niệm đến giờ vẫn còn giá trị trong đời sống cũng như trong sản xuất kinh doanh. Bởi vậy nhắc lại quan niệm của người xưa về chữ tín không phải là thừa đối với chúng ta ngày nay. Chữ tín là một trong năm phẩm chất của đạo làm người trong ngũ thường (nhân – nghĩa – lễ - trí – tín). Người có chữ tín là người biết tự trọng và tôn trọng người khác, người luôn giữ lời hứa, nói đi đôi với làm. Đã hứa điều gì thì nhất thiết phải làm cho kỳ được dù khó khăn đến bao nhiêu, thậm chí phải trả giá đắt cũng làm. Người đó quan niệm “nhất ngôn, cửu đỉnh” hay “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” nên đã nói là làm, đã hứa là phải giữ lời hứa, tức là giữ chữ tín vậy!. Và vì thế người đó có uy tín, được mọi người tin tưởng, mến phục. Văn hóa Trung Hoa coi những người đó là người quân tử. Người quân tử nhất thiết phải ứng xử như thế. Với Việt Nam thì không chỉ người quân tử mà ngay cả những người thường, thậm chí đang ở hoàn cảnh khó khăn cũng phải giữ đạo làm người. Quan niệm “Giấy rách giữ lấy lề”, “đói cho sạch, rách cho thơm”, rồi “nói lời phải giữ lấy lời/ đừng như con bướm đậu rồi lại bay” là cách diễn giải phổ cập cho tất cả mọi người, điều đó có nghĩa là đạo lý ấy là chuẩn mực cho tất cả chứ không chỉ cho người quân tử. Có thể dẫn giải nhiều tư tưởng, triết lý Nho giáo đã được người Việt Nam tiếp biến cho gần với cuộc sống thường nhật của con người. Chính vì thế giá trị phổ quát của nó trong đời sống có phần sâu rộng và bền lâu trong cộng đồng. Tuy nhiên, văn hóa Việt Nam với nền tảng là nông nghiệp tự cung, tự cấp, sản xuất nông nghiệp được coi trọng, kinh doanh buôn bán không được quan tâm, thậm chí có tư tưởng kỳ thị, “thật thà cũng thể con buôn”, nên chữ tín ít người tin nó có và cần trong buôn bán. Vì thế, thương mại chậm phát triển và chữ tín cũng ít được nhắc đến trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Chữ tín thời kinh tế thị trường
Phải khẳng định ngay rằng chữ tín chắc chắn còn nguyên gia trị trong cuộc sống hiện đại và trong sản xuât kinh doanh thời kinh tế thị trường. Ngay cả trong đời sống ảo và sàn giao dịch điện tử, chữ tín cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Đừng tưởng ảo mà bỏ chữ tín. Đừng tưởng “trăm người bán, vạn người mua” mà bỏ chữ tín! Chữ tín quan trọng trong đời sống, rất quan trọng trong sản xuất kinh doanh và đặc biệt quan trọng trong mở cửa, hội nhập. Suy cho cùng, thị trường càng lớn, quy mô sản xuất kinh doanh càng lớn thì chữ tín càng có vai trò to lớn. Có thể nói có chữ tín là có rất nhiều không muốn nói là có tất cả. Mất chữ tín là mất rất nhiều nếu không muốn nói là mất tất cả! Điều quan trọng này có vẻ như hiếm có doanh nhân, doanh nghiệp nào không nhìn thấy. Tiếc rằng, đa phần nhìn thấy việc phải có chữ tín, nhưng không phải khi nào cũng hành xử đúng vì nó, hơn nữa nhiều người chưa nhìn thấy việc giữ chữ tín còn quan trọng hơn. Bởi thế còn nhiều chuyện đáng bàn.
Chuyện có chữ tín bằng mọi giá và hậu quả của nó. Chúng tôi ủng hộ các doanh nhân, doanh nghiệp tìm mọi cách trong sản xuất, kinh doanh để được tin tưởng, để có chữ tín và giữ gìn chữ tín. Từ tên doanh nghiệp (như doanh nghiệp vàng Bảo tín Minh Châu) đến slogan “tròn chữ tín, vẹn niềm tin” của một doanh nghiệp khác đều là cách thức gửi thông điệp về chữ tín, tạo niềm tin đối với khách hàng. Trong sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cố gắng tạo sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý và luôn giữ đúng cam kết với khách hàng để có chữ tín và giữ chữ tín. Tiếc rằng, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, có cả những doanh nhân thành đạt đã “bằng mọi giá” (chứ không phải bằng mọi cách đúng đắn dù khó khăn thua thiệt) để có chữ tín. Họ quan niệm chữ tín có thể mua được nên đã dùng chiêu trò “thả con sưn sứt, bắt con cá rô”, thậm chí lửa đảo để mua niềm tin của những người nhẹ dạ cả tin. Trong kinh tế thị trường không ít người cả tin trước các chiêu quảng cáo “mùi mẫn” bằng các phương tiện hiện đại như truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội, các sự kiện “tri ân khách hàng”…Và có không ít những doanh nhân, doanh nghiệp có được chữ tín bằng cách ấy. Họ cũng đã thu được lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận lớn nhờ vào chữ tín theo cách này! Nhưng cũng đã không ít doanh nhân, doanh nghiệp trả giá, thậm chí giá rất đắt cho cả sự nghiệp và thanh danh của đời mình vì chữ tín có được “bằng mọi giá”. Điều rất đáng lo ngại là những doanh nhân này rất hiểu ý nghĩa của chữ tín, giá trị to lớn mà nó mang lại. Đáng tiếc là họ không hiểu một nguyên tắc vô cùng khắt khe, đó là chữ tín luôn đối nghịch với giả dối, đối nghịch với “nói không đi đôi với làm” và điều đặc biệt là có chữ tín đã khó, giữ chữ tín còn khó hơn nhiều. Đành là thế, nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp bất chấp cái hại lâu dài mà chạy theo lợi ích trước mắt “mua cho được chữ tín” để rồi chuốc lấy thất bại cho chính mình đồng thời gây khó khăn lớn cho cả xã hội.
Xin đơn cử, trong sản xuất nông nghiệp cách làm “rau hai luống, lợn hai chuồng” là hết sức tệ hại, thậm chí là vô đạo đức nhưng vẫn tồn tại một cách công khai, phổ biến trong hầu hết các làng xã từ Nam chí Bắc. Người nông dân công khai việc làm “bất tín” ấy của mình mà không hề e ngại về sự bất chính của việc làm nguy hại cho cả xã hội và cho cả chính mình. Vẫn còn những người buôn bán nông sản thu được lợi nhuận nhờ hành xử đúng định kiến xưa “thật thà cũng thể con buôn” coi nói dối như là điều đương nhiên. Không có người bán rau quả nào nói: “rau quả của tôi bẩn đấy mời các ông bà mua cho”! Lời nói đều là rau quả sạch, không có phun thuốc, tẩm thuốc gì đâu…Vậy là nói và làm không đi đôi, chữ tín không có nhưng xã hội vẫn phải nhắm mắt chấp nhận dẫu bệnh tật ngày càng phổ biến hơn! Cái lợi trước mắt trong sản xuất, kinh doanh đã làm chữ tín trong cuộc sống lu mờ. Trắng đen lẫn lộn, nông sản Vietgap cũng làm giả, siêu thị cũng nhập hàng kém chất lượng, người làm hàng sạch công phu giá cũng như hàng bẩn…Chữ tín đang thực sự lu mờ, vắng bóng, làm cho cả xã hội bất an hàng ngày bằng chính những sản phẩm dân mình làm ra! Chuyện mớ rau, miếng thịt tưởng nhỏ, nhưng nó là sự an bình của cả xã hội, các nhà quản lý cứ lảng tránh mãi sao? Cứ đổ cho “mặt trái của kinh tế thị trường” sao? Xã hội lên án mạnh mẽ, quản lý xử lý nghiêm minh, cụ thể để chữ tín sáng rõ, niềm tin xã hội được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống an bình, hạnh phúc! Có lẽ vẫn còn là giấc mơ xa đối với chúng ta!
Nói về sự lu mờ, biến mất của chữ tín mà chỉ nói trong sản xuất kinh doanh nông sản thì thật không công bằng. Mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội chữ tín được quảng bá rầm rộ, nhưng sự thật vẫn làm chúng ta lo ngại và đau lòng. Lĩnh vực cứu người như y tế trong dịch bệnh mà người ta cũng vứt bỏ cả chữ tín vì đồng tiền thì còn báo động nào khẩn cấp hơn. Sự khắt khe và chính xác như khoa học người ta cũng sẵn sàng làm giả thì chữ tín còn đâu đất sống?! Không nghiên cứu mà cũng cho ra kết quả, lại quảng bá cho cái “kết quả giả” như thật trên báo đài thì thật khó có thể chấp nhận. Trường hợp này là ví dụ rõ nhất về việc “kiếm chữ tín bằng mọi giá”! Cái nguy hiểm ở đây là họ rất hiểu giá trị của chữ tín, nhưng lại vứt bỏ nó để kiếm lợi nhuận hàng trăm tỷ. Họ cho rằng có tiền thì có thể xây dựng được niềm tin! Đây là toan tính chết người của một số doanh nhân và cả những quan chức và các nhà khoa học. Họ tìm mọi cách để mua chuộc quan chức, họ xây dựng niềm tin bằng “cửa sau” và quyền lực ngầm. Họ tạo dựng niềm tin vào quyền lực bằng những thông tin mập mờ bởi những lời đồn đoán và sự mua chuộc. Họ nhầm lẫn và gánh chịu hậu quả cay đắng, nhưng xã hội và thị trường cũng gánh chịu những hậu quả không hề nhỏ. Hậu quả lớn nhất không phải là những quan chức cấp cao hay những ông lớn trên thương trường bị gục ngã mà là sự giả dối đang trở thành căn bệnh lây lan khắp chốn cùng nơi, khắp mọi lĩnh vực trong xã hội. Điều đó đã làm cho niềm tin vào lòng tốt của con người bị lung lay, cái ác có dịp lấn át cái thiện, tệ nạn xã hội, mãi dâm, ma túy, bạo lực gia đình, lừa đảo trộm cắp được dịp tăng mạnh cả về số lượng và mức độ cũng như quy mô, hậu quả của nó. Trên thương trường, những người muốn làm ăn nghiêm túc, muốn có chữ tín thực sự phải khốn khổ vượt qua hàng rào định kiến, nghi ngờ vô căn cứ của cộng đồng. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp mệt mỏi vì phải vượt qua định kiến vốn đã không công bằng của xã hội cũ không trọng thương gia, nhưng nay xã hội lại tràn lan điều giả dối! Chữ tín thực sự thiếu đất sống! Phải chăng đó là điều đáng lo ngại nhất trong tình hình hiện nay?
Nói tóm lại, mọi hành vi “bằng mọi giá” để có chữ tín phải bị lên án và xử lý nghiêm khắc. Hậu quả của hành vi này không chỉ gây tổn hại cho người thực hiện mà còn gây tổn hại cho toàn xã hội, làm nhiễu loạn môi trưởng sản xuất kinh doanh, kìm hãm sự phát triển bền vững của đất nước.
Làm thế nào để có chữ tín trong sản xuất kinh doanh. Trước tiên phải hiểu chữ tín trong sản xuất kinh doanh là gì? Chữ tín trong đời sống là việc giữ lời hứa thường là của một người với người khác hoặc nhiều người khác, nhưng cũng là những người thân trong gia đình hoặc quen biết. Việc kiểm chứng lời hứa và việc làm cũng dễ dàng vì phạm vi và đối tượng liên quan không lớn. Tác động cửa việc giữ lời hứa hay không phụ thuộc chính vào tầm anh hưởng của người đã hứa, ít phụ thuộc vào nội dung của lời hứa. Chữ tín trong sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất, kinh doanh lớn trong kinh tế thị trường thời mở của, hội nhập khác cả về chủ thể, khách thể, nội dung, quy mô và tác động xã hội của nó. Chúng tôi xin nhân mạnh vào sự khắc biệt. Chủ thể cầu chữ tín và để kiểm chứng về chữ tín của doanh nghiệp không chỉ là ông chủ doanh nghiệp mà là cả doanh nghiệp, từ nhân viên hợp đồng đến cả ban lãnh đạo của doanh nghiệp đều có vai trò tích cực hoặc tiêu cực trong việc tạo dựng chữ tín của doanh nghiệp. Chỉ cần một nhân việc hợp đồng có hành vi trái với chữ tín, trái với tôn chỉ, mục đích của doanh nghiệp, làm mất niềm tin của khách hàng cũng có tác động xấu đến chữ tín của doanh nghiệp. Bởi thế, việc xây dựng chữ tín của doanh nghiệp khó hơn việc xây dựng chữ tín cho một con người. Về nội dung và tính chất lời hứa của doanh nghiệp cũng có khác. Nội dung khá đa dạng phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mục tiêu, mục đích của doanh nghiệp, địa bàn hoạt động chính của doanh nghiệp. Tính chất của sự hứa hẹn là một thông điệp, là sự cam kết được bảo đảm bởi đạo đức và pháp luật trong sản xuát, kinh doanh. Vật chứng của cam kết không chỉ là sản phẩm doanh nghiệp tạo ra mà còn là cách thức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn sản phẩm làm ra của doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, đúng như giới thiệu quảng cáo sản phẩm, nhưng việc sản xuất ra sản phẩm đó có sử dụng lao động không đúng quy định của pháp luật sẽ rất khó có chữ tín trong thương trường hiện đại. Về khách thể trong xây dựng chữ tín của doanh nghiệp cũng hết sức đa dạng và có thể phân chia thành đối tượng trong và ngoài donh nghiệp. Với đối tượng trong doanh nghiệp thì chữ tín được kiểm chứng bằng lời nói và việc làm của chủ doanh nghiệp với các thành viên khác của doanh nghiệp. Lời hứa của doanh nghiệp vể chế độ làm việc, chế độ đãi ngộ đương nhiên phải được thực hiện nghiêm cẩn. Thiếu nghiêm cẩn sẽ không có chữ tín trong nội bộ. Không có chữ tín trong nội bộ thì khó có được chữ tín bền vững với bên ngoài, cho dù nội dung lời hứa và hành động có khác nhau. Chẳng hạn sản phẩm doanh nghiệp làm ra có chất lượng đúng như quảng cáo, giá bán hợp lý và ổn định đáp ứng yêu cầu khách hàng, nhưng nội bộ mất đoàn kết, nhiều chuyện không hay diễn ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng về sự ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí niềm tin vào chất lượng sản phẩm cũng giảm sút mặc dù trên thực tế chất lượng chưa có thay đổi. Niềm tin, chữ tín của khách hàng đôi khi phụ thuộc vào yếu tố ngoài sản xuất, kinh doanh. Điều này củng có thêm luận điểm giữ chữ tín của doanh nghiệp, doanh nhân là vô cùng khó.
Về phạm vi và quy mô vấn đề liên quan đến chữ tín của doanh cũng khác xa với chữ tín của một cá nhân. Cá nhân dù ở cương vị cao, quan hệ rộng thì chữ tín cũng ít có tác động đến số đông cộng đồng dân cư, càng khó có tác động lớn đến cả xã hội.Ngược lại đối với doanh nghiệp, sự mất niềm tin với một sản phẩm có thể kéo theo hệ lụy trên phạm vi rất rộng, một tỉnh, một nước và thậm chí nhiều nước trên tòan thế giới.Xem vậy đã thấy xây dựng niềm tin, đạt chữ tín trong tương trường quả là không dễ. Trong mở cửa hội nhập nó còn khớ khăn hơn nhiều. Chẳng hạn chữ tín của sản phẩm đánh bắt thủy sản của Việt Nam được hiểu nư thế nào? Nó không chỉ là chữ tín của một cá nhân, một đơn vị đánh bắt thủy sản mà là của tất cả các cá nhân, doanh nghiệp đánh bắt thuy sản. Hầu hết các cá nhân, doanh nghiệp đánh bắt thủy sản làm tốt, làm đúng, chỉ cần một vài cá nhân, doanh nghiệp vi phạm luật pháp, không thực hiện quy định có tính thông lệ quốc tế cũng có thể gây hệ lụy cho cả ngành đánh bắt thủy sản vf đương nhiên là chịu tổn thất rất lớn. Chúng ta phải kiên quyết xử lý vi phạm trong lĩnh vực này để thị trương EU rút thẻ vàng là một ví dụ sinh động cho việc chấp pháp trong sản xuất kinh doanh thời mở cửa hội nhập mà bản chất của nó chính là niềm tin, chữ tín trên thương trường văn minh và rộng mở. Như vậy, nói xây dựng và phát huy chữ tín trong sản xuất kinh doanh, không thể không nói tới xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
4. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp để có chữ tín bền vững trong sản xuất, kinh doanh
Nói xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trước tiên phải thống nhất quan niệm văn hóa doanh nghiệp là gì? Và muốn xây dựng nó thì nên bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào?
Về văn hóa doanh nghiệp đã có nhiều người đưa ra các định nghĩa khác nhau, chúng tôi xin viện dẫn lại để phân tích theo cách tiếp cận có tính hệ thống từ văn hóa nói chung đến văn hóa doanh nghiệp nói riêng. Văn hóa doanh nghiệp xét từ góc độ nhân sự của doanh nghiệp người ta thường dẫn định nghĩa của Link Power rằng: “Văn hóa doanh nghiệp là tư duy và thái độ của nhân viên về công việc họ đang làm, khách hàng mà họ đang phục vụ và với chính ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp đó. Văn hóa doanh nghiệp là những giá trị, niềm tin, hình thức mà mọi người trong doanh nghiệp cùng công nhận và suy nghĩ, nói, hành động như một thới quen, giống như đời sống tinh thần và tính cách của con người và là quyết định đến sự thành bại lâu dài của doanh nghiệp”. Phải thừa nhận đây là định nghĩa khá đầy đủ về văn hóa doanh nghiệp, nhưng nó chỉ đủ khi dùng làm bài giảng cho nhân viên doanh nghiệp về văn hóa doanh nghiệp, bởi nhân viên ở đây đang được đề cao như là chủ thể quan trọng nhất của văn hóa doanh nghiệp. Trên thực tế, vai trò của chủ doanh nghiệp, ban lãnh đạo doanh nghiệp mới là người khởi xướng, tạo dựng và duy trì đủ thời gian để cái văn hóa doanh nghiệp mình định hướng xây dựng được hình thành, phát huy thực sự trong hoạt động kinh doanh và đời sống xã hội. Tôi nhấn mạnh yếu tố thời gian, nói chính xác hơn là sự kiểm chứng của thời gian về những giá trị văn hóa được hình thành và phát huy trong hoạt động của doanh nghiệp. Bởi để trở thành giá trị văn hóa không thê thiếu sự kiểm chứng này. Chính sự kiểm chứng với thử thách thời gian nó đảm bảo độ bền vững để gọi là giá trị văn hóa doanh nghiệp tạo dựng nên, tránh việc quảng bá thái quá bởi những khẩu hiệu, những slogan mà thực tế hoạt động còn cách quá xa với những tuyên ngôn “kêu vang” của doanh nghiệp. Chúng tôi nhấn mạnh điều này để cảnh tỉnh các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiểu rằng nó là việc hay, việc đúng nhưng là một việc khó, phải chuẩn bị một cách đầy đủ về vật chất và tinh thần, tâm thế và ý chí, nội dung và cách thức mới có thể thành công. Đã đặt mục tiêu, mục đích văn hóa thì phải theo nó đến cùng, không được ngã lòng càng không được “thay lòng, đổi dạ”! Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh tỉnh trong bài phát biểu của mình rằng: “Đánh mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa doanh nghiệp cũng chính là niềm tin của khách hàng”. Ông còn khẳng định: “Đánh mất văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng là đánh mất chính mình”. Và “Làm gì có tổn thất nào lớn hơn và khó lkhắc phục hơn là tổn thất đó!”. Xem vậy có thể hiểu là, thà doanh nghiệp không tồn tại còn hơn tồn tại mà mất niềm tin, mất văn hóa. Rõ ràng xây dựng văn hóa doanh nghiệp không dễ, nó không thể làm theo kiểu phong trào, hô một tiếng là xung phong làm ngay và được ngay! Nó phải theo một trình tự, một quy trình bài bản, nghiêm cẩn được chỉ đạo thực hiện một cách khoa học, cùng với chí quyết tâm và lòng kiên nhẫn mới có kết quả tốt. Xem vậy, người đứng đầu doanh nghiệp có vai trò quyết định việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp; toàn thể các thành viên khác của doanh nghiệp đồng lòng là nhân tố quan trong bạc nhất trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải được đặt ra sớm, tốt nhất là trước khi thành lập doanh nghiệp. Người có ý tưởng xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải tự trả lời được các câu hỏi như: doanh nghiệp sẽ sản xuất, kinh doanh cái gì? Sản phẩm chính là gì và nó hướng tới khách hàng nào, khách hàng ấy có thị hiếu, xu hướng mong chờ điều gì? Để đáp ứng yêu cầu phát triển doanh nghiệp như dự định cần đội ngũ cán bộ nhân viên như thế nào? Cái gì là sức hút đối với họ? ...
Trả lời được các câu hỏi đó, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp mới có thể bắt đầu. Bắt đầu từ tên doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp cũng như tên người là để gọi, tuy nhiên, nó còn là thông điệp về một ý tưởng, một chủ đích nào đó. Tên doanh nghiệp cùng với slogan sẽ là tuyên ngôn có tính văn hóa của một doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp và slogan là gì, có ý nghĩa như thế nào? Lãnh đạo doanh nghiệp phải kỳ công trình bày, thuyết phục toàn thể nhân viên của doanh nghiệp từ người gác cổng đến quản lý các phòng ban chuyên môn, thậm chí cả các nhân viên hợp đồng ngắn hạn cũng phải hiểu, phải thuộc và thực hiện nó một cách hào hứng, tự nguyện trong tư duy, hành động, lời nói, ngôn ngữ, cách ứng xử các tình huống giữa người với người trong và ngoài doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp thì văn hóa ứng xử đồng cấp ra sao? Ứng xử với lãnh đạo thế nào? Đặc biệt là ứng xử với việc, ứng xử với sản phẩm mình làm ra là thứ dễ bị bỏ qua. Thứ dễ bị bỏ qua ấy đôi khi lại là cái người ta dễ nhận biết cái bản sắc văn hóa thực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải kiên trì thực hiện tuyên ngôn của mình, đến khi nó trở thành thương hiệu, trở thành cái tự nhiên như vốn đã có từ lâu, quen thuộc đối với tất cả nhân viên trong doanh nghiệp, với khách hàng và với cả những người liên quan không nhiều với doanh nghiệp. Khi ấy văn hóa doanh nghiệp mới thật sự được định hình và nhiệm vụ của doanh nghiệp là giữ gìn, hoàn thiện và phát huy nó trong mọi hoạt động của mình.
Về xây dựng văn hóa doanh nghiệp không ai có thể hướng dẫn làm cài gì và làm như thế nào vì mỗi doanh nghiệp có mục đích và cách làm riêng của mình. Có riêng như thế mới có bản sắc, có cái độc đáo hấp dẫn. Văn hóa vốn tồn tại và phát triển bởi cái riêng, cái bản sắc độc đáo. Tuy nhiên, có một yếu tố chúng tôi cho rằng xây dưng văn hóa doanh nghiệp nào cũng cần. Đó là sự hài hòa. Hài hòa trong doanh nghiệp, hài hòa trong xã hội, hài hòa về quyền lợi và trách nhiệm, hài hòa về vật chất và tinh thần. Có hài hòa mới có chữ tín và điều tiết sự hài hòa này không ai khác là chủ doanh nghiệp.
Quan điểm cá nhân tôi chủ doanh nghiệp khi nào cũng đóng vai trò quyết định việc xây dựng, giữ gìn và phát huy văn hóa doanh nghiệp. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từ đầu không thể thiếu vai trò của chủ doanh nghiệp. Nhưng ngay khi cái văn hóa ấy đã hình thành, thậm chí đã trụ vững trong xã hội thì vai trò của chủ doanh nghiệp cũng không hề thay đổi. Cá nhân chủ doanh nghiệp có thể người này thay người kia, nhưng vai trò của chủ doanh nghiệp không thay đổi. Chủ doanh nghiệp vẫn là người thuyền trưởng trên con thuyền văn hóa doanh nghiệp mới có thể giữ gìn và phát huy được trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng vai trò này được giữ vững khi chủ doanh nghiệp là tấm gương văn hóa doanh nghiệp do mình đứng đầu. Chỉ cần dao động nhỏ của người thuyền trưởng con thuyền sẽ chao đảo! Hình ảnh ông chủ năng động, say sưa làm việc hết mình, gắn bó chia sẻ cùng nhân viên năm nào bỗng biến mất, để thành một ông chủ coi thường pháp luật, coi “trời bằng vung”, khệnh khạng, ham chơi, kênh kiệu, xa cách…chắc chắn ảnh hưởng tồi tệ trực tiếp đến văn hóa doanh nghiệp. Trong trường hợp ấy dẫu lương tháng cùng tiền thưởng vẫn được duy trì “hậu hĩnh” nhưng vết rạn trong văn hóa doanh nghiệp đã hình thành, và chuyện “đánh mất mình” chỉ còn là thời gian mà thôi. Chúng tôi nhắc đến hiện tượng này vì trong thực tế có nhiều trường hợp như thế! Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là việc làm cả đời, nhưng đánh mất nó có thể chỉ trong một khoảng khắc mà cách diễn đạt thời thượng là “trong một nốt nhạc”! Nhân hội thảo tôi muốn cảnh tỉnh những doanh nhân đã có tên tuổi, đã có thương hiệu cần cảnh giác với chính mình. Thất bại không quật ngã được người ta nhưng đôi khi thành công lại làm người ta gục ngã. Hãy nhớ thương hiệu của mình, của doanh nghiệp mình không chỉ là tài sản của riêng mình, mà trong chừng mực nào đó còn là tài sản của xã hội, tài sản của quốc gia. Hãy xem các doanh nghiệp sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ, mỗi doanh nghiệp có cách riêng của mình nhưng đều tạo nên một sản phẩm chất lượng mang tên Thụy Sĩ. Danh tiếng của các hãng như Rolex, Longin, Omega được ghi nhận toàn càu hàng trăm năm. Và vì thế, cứ nói đến đồng hồ chất lượng cao người ta nghĩ ngay đến Thụy Sĩ, mặc dù trên thực tế vẫn có hãng sản xuất đồng hồ giá cả phải chăng. Nhưng chắc chắn không có hãng nào của Thụy Sĩ sản xuất đồng hồ giả, đồng hồ nhái hàng của các hãng khác. Đồng hồ đã làm nên thương hiệu quốc gia Thụy Sĩ! Ở Việt Nam nhắc đến ôtô chất lượng cao người ta thường nhắc tới oto của Đức như BMW, Mercedes. Nhưng ôtô phổ thông tiện dụng, bền mà giá cả phải chăng là ôto Nhật Bản với các hãng Toyota, Honda, Madaz, Suzuki … Nhiều thương hiệu doanh nghiệp mạnh làm nên thương hiệu quốc gia. Nhiều doanh nghiệp có uy tín, có thương hiệu tin dùng của khách hàng thì thương hiệu quốc gia ngày càng được củng cố và lan tỏa. Một người Việt Nam tin hàng Nhật Bản là hàng tốt, mặc dù có thể chưa dùng nó bao giờ! Thương hiệu quốc gia là tài sản lớn và có giá như vậy là do rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau tạo dựng mà thành thương hiệu Nhật Bản. Có lẽ ai cũng hiểu thương hiệu ấy có giá trị như thế nào. Tuy nhiên, để làm nên thương hiệu ấy không phải chuyện một sớm, một chiều. Việt Nam có trở thành công xưởng của thế giới hay không phụ thuộc nhiều vào thương hiệu quốc gia Việt Nam, nghĩa là phụ thuộc nhiều vào văn hóa doanh nghiệp của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh. Có thể đặt mục tiêu chiến lược cho thương hiệu quốc gia được không? Câu hỏi thú vị nhưng cũng không dễ trả lời!
Chữ tín và thương hiệu quốc gia
Trên thực tế Việt Nam đã đặt mục tiêu cho việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu quốc gia. Nhiều người nghiên cứu và quan tâm đến lĩnh vực này cũng đã viện dẫn nhiều định nghĩa về thương hiệu quốc gia, trong đó tên, ký hiệu, khẩu hiệu, hình ảnh, ý tưởng…được nhắc đến như những yếu tố quan trọng trong xây dựng thương hiệu quốc gia. Bài viết của chúng tôi tiếp cận xây dựng thương hiệu quốc gia từ xây dựng chữ tín, từ xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bởi vậy chúng tôi đặt niềm tin là yếu tố quan trong bậc nhất để xây dựng và bảo vệ thương hiệu quốc gia. Xin nhắc lại lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Lễ phát động xây dựng văn nhóa doanh nghiệp:”Đánh mất niềm tin là mất tất cả”! Có thể hiểu đánh mất chữ tín là mất tất cả.
Muốn có niềm tin, trước tiên phải tin vào chính mình, tin vào ý tưởng, tin vào mục tiêu, mục đích mình đặt ra, tin vào cái tên, cái slogan, cái hình ảnh mình tạo dựng, cái sản phẩm mình làm ra nhất định được ưa chuộng trên thương trường. Để có niềm tin ấy, trước tiên minh phải trung thực với chính mình, tự trọng và tôn trọng người khác, hiểu mình và hiểu người khác trên nguyên tắc chia sẻ chân thành và trung thực và cái quan trong nhất là phải giữ chữ TÍN. Trong mở cửa hội nhập và muốn vươn ra biển lớn thì phải hiểu triết lý “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Cái yếu cốt tử của chúng ta là năng lực hợp tác. Muốn làm ăn lớn thì không thể không hợp tác. Chỉ có hợp tác chặt chẽ trong một dây chuyền sản xuất đồng bộ, chuyên môn hóa cao mới tạo ra sản phẩm chất lượng cao và số lượng lớn. Mà muốn hợp tác hiệu quả bền vững thì không thể thiếu chữ tín! Ngay trong sản xuất nông nghiệp ngày nay cũng cần sự hợp tác sâu rộng để sản xuất theo chuỗi và tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, sản lượng lớn bền vững. Muốn chuỗi không đứt đoạn thì chữ tín là bảo đảm không thể thiếu. Và điều quan trọng không thể thiếu nữa là sự hợp tác của tất cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở các ngành nghề giống nhau cũng như khác nhau, của mọi công dân ở mọi tầng lớp, mọi cương vị, mọi hoàn cảnh đều tin rằng thương hiệu quốc gia là tài sản mà mình và gia đình mình được hưởng lợi từ đó. Có khẳng định được niềm tin của chính mình mới có thể nghĩ đến việc giữ gìn và củng cố niềm tin của người khác, của đối tác, của khách hàng. Và chữ tín mới thực sự bền vững trong chính mình và trong đối tác.
Khi ý tưởng, mục tiêu, mục đích đặt ra đã được thực hiện, hình ảnh, tên, slogan của nhiều doanh nghiệp đã thành thương hiệu danh tiếng khu vực và quốc tế…khi ấy thương hiệu quốc gia được hình thành và việc tiếp theo là củng cố, hoàn thiện, giữ gìn và phát huy thương hiệu được đặt ra. Và khi ấy niềm tin của người khác, của đối tác, của khách hàng và của các quốc gia khác phải được gìn giữ hết sức nghiêm cẩn hơn cả giữ vàng bạc, tiền của. Quan trọng như vậy bởi vàng bạc, tiền của mất đi còn có thể tìm lại được; niềm tin đã mất khó có thể tìm thấy. Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Mất niềm tin là mất tất cả” bởi đánh mất niềm tin là đánh mất chính mình, mà đánh mất chính mình thì không có tổn thất nào lớn hơn thế! Qua đó có thể hiểu rằng xây dựng chữ tín đã khó, giữ gìn và phát huy giá trị chữ tín ấy còn khó hơn nhiều, đặc biệt là chữ tín đối với thương hiệu quốc gia!
Việt Nam – đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
Có lẽ thành công lớn nhất của công cuộc đổi mới của Việt Nam không chỉ là xóa đói, giảm nghèo ngoạn mục, không chỉ là tăng trưởng GDP nhiều năm giữ ở tốp đầu thế giới, mà còn là một Việt Nam được cộng đồng thế giới thứa nhận là đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm cộng đồng quốc tế. Thương hiệu ấy, tài sản ấy là vô cùng to lớn. Hãy hình dung, trong đại dịch Covid – 19, trang thiết bị y tế cũng như khẩu trang của Việt Nam chưa phải là thứ tốt nhất thế giới nhưng đã được đón nhận trân trọng và cảm kích của cộng đồng quốc tế. Cái gì đã làm nên điều đó? Chính là niềm tin của bạn bè quốc tế. Niềm tin ấy có được là bởi trải thăng trầm lịch sử, chúng ta giữ vững niềm tin vào chính mình, kiên định đường lối độc lập tự chủ, yêu chuộng hòa bình, chia sẻ chân thành, làm bạn với tất cả, và luôn ý thức và hành động trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Hình ảnh Việt Nam hôm nay trong mắt bạn bè quốc tế có thể nói là một hình ảnh tốt đẹp chưa bao giờ có của chúng ta. Phải chăng đó chính là thương hiệu quốc gia. Thương hiệu ấy ngày càng được củng cố, hoànn thiện và phát huy.
Trong nông nghiệp, gạo, điều, hạt tiêu đã trở thành thương hiệu quốc gia Việt Nam. Thủy hải sản, hoa quả, sữa cũng đang tích lũy nhiều điểm cộng để trở thành thương hiệu mạnh trên thế giới. Chúng ta đang cố gắng làm nhiều việc để sản phẩm nông nhiệp của chúng ta được yêu mến, ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Có thể nghĩ đến một thương hiệu manh hơn như là Việt Nam – kho lương thực đáng tin cậy của thế giới chăng? Đã có vị khách quốc tế yêu mến Việt Nam mà có lời khuyên Việt Nam nên là bếp ăn của thé giới. Đừng nghĩ cái bếp là chuyện nhỏ vì bếp nuôi dưỡng cả hành tinh này. Bếp Việt Nam với kho lương thực đáng tin cậy của thế giới với nhiều món ăn đồ uống nổi tiếng như phở, bún chả, bún thang, cà phê và cả bán mỳ nữa chắc sẽ tạo nên một thương hiệu bạc tỷ đô chứ không hề nhỏ! Bil Clinton đã ăn phở Việt Nam, Obama đã ăn bún chả Hà Nội…và nhiều người trên thế giới đã gọi tên món phở, nem Việt Nam bằng tiếng Việt. Phải chăng chúng ta đang có điều kiện để xây dựng thương hiệu quốc gia từ nông nghiệp và văn hóa ẩm thực. Về lý luận và thực tiễn chúng ta có đủ điều kiện xây dựng thương hiệu mạnh về lĩnh vực này. Thế giới đang biết đến chúng ta, cần đến chúng ta về những sản phẩm nông nghiệp và ẩm thực. Đã có nhiều sản phẩm đi và món ăn đi vào thực đơn của nhiều gia đình, nhiều tổ chức thương mại của nhiều nước. Điều đó là thuận lợi rất cơ bản để nhiều doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện và phát huy thương hiệu của mình, đồng thời củng cố phát huy mạnh mẽ thương hiệu quốc gia về lĩnh vực này.
Về nông nghiệp chúng ta có thế mạnh trong xây dựng thương hiệu quốc gia, về công nghiệp tình hình không sáng rõ như vậy. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều nhà kinh tế và doanh nhân trong và ngoài nước đã đề cập đến việc Việt Nam có thể trở thành công xưởng của thế giới. Điều này có cơ sở từ việc chuyển dịch đầu tư và nhu cầu hợp tác trong sản xuất kinh doanh đáp ứng yêu cầu phát triển đa dạng, đa sản phẩm của thị trường thế giới. Mặt khác, Việt Nam cũng đang khẳng định mình là nơi có lợi thế trong đầu tư phát triển. Nhiều sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đã có chất lượng cao, được khách hàng tin dùng. Chính trị, xã hội ổn định, kinh tế đang phát triển, công nhân có tay nghề cao và say mê sáng tạo, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, con người thân thiện là những chỉ số quan trong trong đầu tư phát triển. Trước đây chỉ có dệt may, da giày là sản phẩm có uy tín, nay có cả các sản phẩm điện tử và các sản phẩm khác tham gia chinh phục thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU…Trong tương lai không xa, Việt Nam có đủ điều kiện trở thành công xưởng thế giới vấn đề là ở chỗ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này phải quyết tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng mục tiêu sản xuất, kinh doanh tạo sản phẩm đủ ức xác lập thương hiệu mạnh trên thị trường trong và ngoài nước. Nên nhớ, Việt Nam là thị trương của một nước có dân số gần 100 triệu, đắng ở tốp đầu của thế giới. Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường này cũng là nền tảng để bước ra thị trường thế giới.
Về kinh tế chắc chắn sẽ có các nhà nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực này phân tích sâu hơn. Theo nhận định của chúng tôi, Việt Nam là nước có nhiều thế mạnh để xây dựng thương hiệu quốc gia. Thêm vào đó, những năm gần đây Việt Nam còn được nhiều tổ chức xếp hạng uy tín thế giới xếp là một trong những nơi đáng sống. Đó niềm tin, ý chí và tình cảm cộng đồng dành cho Việt Nam. Việt Nam có được điều đó đồng nghĩa với có chữ tín trước cộng đồng quốc tế. Điều đó có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Điều chung nhất là mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân Việt Nam phải biết trân trọng cái mình đang có, tiết kiệm từng cơ hội, từng điều kiện thuận lợi để vươn ra biển lớn, với khát vọng đưa đất nước phát triển vượt bẫy thu nhập trung bình để đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước thành nước phát triển có thu nhập cao. Văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia góp phần không nhỏ trong hiện thực hóa ước mơ to lớn ấy. Ý chí và sự sáng tạo cùng chữ tín Việt Nam cho ta niềm tin vào sự phát triển đất nước trong điều kiện mới!
TS. Nguyễn Viết Chức, Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long