Tổng quan về cây ngải cứu
Cây ngải cứu vốn là loại cây cỏ mọc dại ở nhiều địa phương phía Bắc Việt Nam, thường được dùng làm món ăn hàng ngày và xuất hiện trong nhiều bài thuốc dân gian. Ngải cứu còn có tên gọi khác là rau ngải, ngải diệp.
Trong dân gian, cây ngải cứu được dùng rất nhiều trong những bài thuốc chữa các bệnh thông thường, đặc biệt là tác dụng tốt đối với cầm máu, điều hòa kinh nguyệt, chữa đau đầu, tiêu chảy, chướng bụng,… Ngải cứu được dùng như một loại rau ăn thường ngày của nhiều gia đình và được yêu thích với vị hơi đắng và thơm.
Tác dụng đặc biệt từ ngải cứu
Chữa bệnh về xương khớp
Nhờ tính ấm nên ngải cứu được dùng phổ biến trong những bài thuốc chữa bệnh về xương khớp. Cây có tác dụng giúp lưu thông khí huyết, tăng cường khả năng lưu thông máu, tốt cho hệ xương khớp, giảm đau, kháng viêm, nhất là với những người bị gai cột sống, thấp khớp.
Hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt
Với tính ấm, ngải cứu được dùng làm bài thuốc hữu hiệu trong việc hỗ trợ làm giảm đau bụng kinh, đau lưng, đòn thời cũng là bài thuốc giúp hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt với những người có kỳ nguyệt san không đều.
Tác dụng an thai
Trong dân gian, ngải cứu là bài thuốc hữu hiệu hỗ trợ điều trị những trường hợp phụ nữ mang thai dọa sảy, giúp an thai hiệu quả. Đây cũng là bài thuốc áp dụng cho những phụ nữ mắc chứng tử cung lạnh, khó mang thai. Tuy nhiên, bài thuốc này chỉ có tác dụng khi được sử dụng đúng liều lượng và kết hợp với một số loại thảo dược khác để làm tăng dược tính của ngải cứu.
Giúp cầm máu
Thành phần trong ngải cứu giúp cầm máu, kháng viêm, sát khuẩn, giảm đau. Nhờ thế, đây là bài thuốc hữu hiệu áp dụng cho những trường hợp cần sơ cứu nhanh và khẩn cấp, nhất là những trường hợp bị thương, đứt chân tay, bị rắn cắn.
Trong dân gian, cây ngải cứu được dùng nhiều trong những bài thuốc chữa các bệnh. |
Một số lưu ý khi dùng ngải cứu
Ngải cứu được biết đến là có rất nhiều tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng trong đời sống hàng ngày cũng như sử dụng làm thuốc cần thận trọng. Trong dân gian cũng chỉ ra rằng, nếu sử dụng quá nhiều ngải cứu có thể dẫn tới ngộ độc. Hoặc nếu sử dụng không đúng cách có thể gây phản tác dụng. Vì thế, việc sử dụng ngải cứu cần lưu ý những điều sau đây:
- Không nên dùng quá nhiều ngải cứu, mỗi lần chỉ nên ăn tối đa 5 ngọn, mỗi tuần không nên ăn quá 3 lần.
- Người mang thai hoặc từng sảy thai, sinh non, không nên ăn.
- Phụ nữ cho con bú cũng không nên sử dụng ngải cứu hàng ngày.
- Không dùng ngải cứu làm thuốc kết hợp với các loại thuốc chữa trầm cảm, tiểu đường, chống đông máu, ung thư, kháng khuẩn,… sẽ gây tương tác và phản tác dụng của thuốc.
- Cần hết sức thận trọng khi dùng ngải cứu với những người có cơ địa mẫn cảm với thảo dược.
- Không dùng ngải cứu dài ngày, quá 4 tuần.
Tốt nhất, việc sử dụng ngải cứu hay các loại thảo dược khác với bất cứ mục đích nào trong điều trị bệnh đều cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!