Tác dụng không mong muốn của cây tầm bóp. |
Cây tầm bóp, hay còn gọi là cây bôm bốp, thù lù cạnh, bùm bụp hoặc lồng đèn, mang tên khoa học là Physalis angulata. Loài cây này thuộc họ Cà, có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới châu Mỹ và sinh trưởng như cỏ dại.
Cây tầm bóp là loại thảo dược nhiệt đới, cao từ 50-90cm, có thân góc, lá bầu dục, hoa vàng hay trắng, quả mọng đỏ bọc trong đài. Cây mọc hoang ở nhiều nơi như bờ đường, bãi cỏ, vườn hay rừng thấp.
Lá mọc so le, hình bầu dục, màu xanh lục, chia thùy hoặc không
Hoa mọc đơn độc, có màu trắng nhụy vàng, 5 cánh. Đài hoa có lông mịn bao phủ, hình chuông. Một số bông có chấm tím ở phần gốc
Quả mọng hình tròn, nhẵn nhụi; khi nhỏ màu xanh, chín đỏ hoặc cam. Bên ngoài quả có lớp đài bao bọc, khi bóp vỡ sẽ tạo tiếng kêu lốp bốp. Hạt nhiều và nhỏ, hình thận. Mùa quả quanh năm.
Mặc dù tầm bóp mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng bạn cần thận trọng khi dùng. Tầm bóp có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe sau đây.
Nhiều người có thể bị dị ứng khi ăn tầm bóp. Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng dị ứng như khó thở, nổi mẩn ngứa… thì hãy ngưng sử dụng và đến gặp bác sĩ để khám chữa kịp thời.
Trái cây tầm bóp khi còn xanh chứa hàm lượng solanin cao dẫn đến ngộ độc nếu ăn phải. Solanin có thể dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, ói và thậm chí có thể gây ngộ độc nặng hơn nếu dùng quá nhiều (nhiều hơn 1 chén cơm/ngày).
Quả tầm bóp chứa hàm lượng axit cao, có thể gây mòn men răng nếu ăn nhiều mà không đánh răng ngay sau khi ăn. Đối với những người có răng miệng nhạy cảm, hàm lượng axit cao cũng có thể gây rát lưỡi, tương tự như trái thơm/dứa.
Ngoài ra, những người bị đau bao tử do thừa axit dạ dày cũng sẽ dễ gặp các triệu chứng đau bụng, vấn đề về tiêu hóa nếu ăn quá nhiều trái tầm bóp. Để bảo vệ bản thân, bạn không nên ăn trái cây khi bụng đói.
Tầm bóp là cây thảo mộc tự nhiên, không có độc tính nên hầu như người lớn hay trẻ em đều dùng được. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng để làm thực phẩm hoặc chữa bệnh. Quả tầm bóp dùng để sấy khô, làm mứt. Lá để chế biến làm các món rau xào. Rễ và thân dùng làm thuốc.
Liều lượng dùng tầm bóp khoảng 80g/ngày. Nếu bạn dùng cây tầm bóp khô để nấu nước uống thì chỉ cần 20 – 40g. Chỉ nên dùng đúng liều lượng, không nên lạm dụng dễ dẫn đến ngộ độc rau tầm bóp.
Có thể thấy, tầm bóp là loại cây hữu ích. Tuy nhiên, bạn cần chú ý đến tác hại của cây tầm bóp để sử dụng an toàn và phát huy hết hiệu quả của loại cây này. Đặc biệt, không nên sử dụng tầm bóp quá liều lượng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phân biệt cây tầm bóp và cây lu lu đực. |
Tương tự cây tầm bóp, lu lu đực cũng thuộc cây thân thảo, mọc quanh năm, chiều cao của cây vào khoảng 70cm. Quan sát bên ngoài bạn sẽ thấy cành và lá của lu lu đực có phủ một lớp lông mỏng, còn thân thì có những khía cạnh.
Lá lu lu đực cũng có hình bầu dục, lá có răng cưa thưa và mọc đơn lẻ. Tuy nhiên, khác với hoa tầm bóp mọc đơn độc, hoa của lu lu đực nở từ tháng 6 - 10 hàng năm và mọc theo chùm từ 3 bông trở nên. Đài hoa có 5 cánh màu trắng dài khoảng 2mm, uốn cong khi quả chín. Quả của cây lu lu đực khi chín có hình cầu, màu tím/đen (một số nơi có màu đỏ).
Có nhiều sự trùng hợp hoặc nhầm lẫn trong tên gọi Tầm bóp, do vậy loài lu lu đực này đôi khi vẫn thường được sử dụng trái chín để ăn như một số loài Tầm bóp. Báo cáo của Trung tâm An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Canada (CCOHS) hợp tác Chương trình quốc tế về An toàn hóa chất (IPCS) thì ở quả xanh của loài lu lu đực chứa nhiều độc tố Solanin hơn cả.
Ở lá của lu lu đực còn có chứa chất Nitrat. Nếu ăn phải một lượng lớn các quả còn xanh và lá tươi của loài cây này, sau 6-12 tiếng có thể xảy ra các hiện tượng như sốt vã mồ hôi, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn hô hấp, buồn ngủ.
* Lưu ý: Thông tin mang tính chất tham khảo!