![]() |
Những ai không nên uống sữa đậu nành? |
Sữa đậu nành là một loại thức uống quen thuộc rất giàu dinh dưỡng, được chế biến từ hạt đậu tương. Trong hạt đậu tương có đến 40% là chất đạm, hàm lượng chất béo từ 12 – 25%, chất bột đường từ 10 – 15%. Ngoài ra, đậu tương còn có rất nhiều loại muối khoáng như sắt, canxi, maggie, kali, natri cùng nhiều loại vitamin và axit amin thiết yếu.
Tuy bổ dưỡng nhưng việc sử dụng sữa đậu nành cũng có những lưu ý quan trọng.
![]() |
6 nhóm người “đại kỵ” với sữa đậu nành |
Người bị bệnh gout
Những người mắc bệnh gout không nên sử dụng sữa đậu nành bởi gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa purine gây ra. Thức ăn giàu đạm sẽ có hàm lượng purine cao, tạo thành axit uric khiến bệnh thêm trầm trọng.
Vì vậy, người bệnh gout nên hạn chế uống sữa đậu nành. Nhưng không có nghĩa là tuyệt đối tránh dùng sữa đậu nành mà cần kiểm soát số lượng, để phòng và điều trị bệnh gout.
Người có chức năng tiêu hoá kém
Sữa đậu nành có tính lạnh, những người khó tiêu, ợ hơi và chức năng tiêu hóa kém nên ít uống sữa đậu nành. Ngoài ra, những người bị viêm dạ dày cũng không nên ăn các sản phẩm từ đậu nành, để không kích thích tăng tiết quá mức axit dịch vị và làm bệnh nặng thêm, hoặc gây đầy hơi.
Trong đậu nành có saponin – một chất có khả năng tạo bọt. Trong công nghiệp, saponin được sử dụng để làm xà phòng. Hoạt chất saponin chỉ có thể bị phá hủy ở nhiệt độ cao. Khi chế biến sữa đậu nành, saponin tạo ra khá nhiều bọt, khiến nhiều người lầm tưởng là sữa đã sôi. Nếu uống sữa đậu nành chưa chín kĩ, saponin vẫn tồn tại, gây rối loạn chuyển hóa protein và là nguyên nhân gây kích thích đường tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng ngộ độc.
Người mắc bệnh thận
Sữa đậu nành cũng được chống chỉ định đối với những người mắc bệnh thận bởi trong đó có hàm lượng kali, canxi cao. Canxi có trong đậu nành ở dạng muối canxi oxalat nên dễ tạo sỏi, đặc biệt đối với những người thận đã suy yếu.
Theo các chuyên gia, người bệnh suy thận cần áp dụng chế độ ăn uống ít đạm. Nhưng sữa đậu nành lại thuộc nhóm những thực phẩm giàu đạm. Điều này có thể làm tăng thêm gánh nặng cho thận, khiến tình trạng suy thận trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bệnh đang hồi phục sau phẫu thuật, giảm sức đề kháng
Những người sau khi phẫu thuật hoặc ốm đau, sức đề kháng của cơ thể yếu và chức năng tiêu hóa không tốt. Lúc này, nên hạn chế sử dụng sữa đậu nành, đặc biệt là sữa đậu nành lạnh vì dễ bị buồn nôn, tiêu chảy và các triệu chứng khác.
Không phải ai uống sữa đậu nành cũng tốt cho sức khỏe, ngược lại nếu không kiêng kị, dinh dưỡng trong sữa còn gây hại cho cơ thể và quá trình điều trị bệnh. Tốt nhất bệnh nhân nên sử dụng sữa chua trong thời gian phục hồi, có thể thúc đẩy tiêu hóa và bảo vệ chức năng đường tiêu hóa.
Người mắc bệnh tuyến giáp
Với những người khoẻ mạnh, việc sử dụng sữa đậu nành hoàn toàn không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, với bệnh nhân tuyến giáp thì sữa đậu nành gây cản trở cơ thể hấp thụ thuốc điều trị bệnh tuyến giáp.
Nếu muốn sử dụng sữa đậu nành, người bệnh tuyến giáp nên đợi ít nhất 4 giờ sau khi đã uống đủ các thuốc kê đơn và sử dụng với liều lượng được bác sĩ cho phép.
Người cao tuổi
Sữa là thực phẩm tốt cho sức khoẻ người cao tuổi nhưng sữa đậu nành thì cần phải hạn chế. Bởi trong sữa đậu nành có chứa nhiều đạm. Khi nạp một lượng lớn đạm thực vật vào cơ thể có thể làm tăng gặng nặng cho thận và dần dần gây ra suy thận.
Ngoài ra, người có hệ tiêu hoá kém, mắc các bệnh về dạ dày hay người mới phẫu thuật, người đang bị ốm cũng không nên sử dụng sữa đậu nành. Bởi đây là loại thức uống lạnh dễ gây ra tình trạng tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi,...
![]() |
Những điều kiêng kị khi uống sữa đậu nành. |
Không được uống sữa đậu nành chưa đun sôi kỹ
Trong sữa đậu nành sống có chứa chất ức chế men trypsin, saponin và một số chất không có lợi khác nên nếu uống sữa đậu nành sống hoặc không được đun sôi kĩ sẽ gây buồn nôn, nôn, đau bụng đi ngoài… thậm chí ngộ độc.
Không uống sữa đậu nành khi đói
Nếu chỉ uống sữa đậu nành không thì các chất dinh dưỡng trong đậu nành khi vào cơ thể đều bị chuyển hóa thành nhiệt lượng mà tiêu thụ mất, do đó không còn tác dụng tốt nữa.
Vì vậy, khi uống sữa đậu nành nên ăn thêm một chút điểm tâm như: Bánh ngọt, bánh mì, bánh bao… hay các sản phẩm chế phẩm của tinh bột. Tinh bột có tác dụng làm cho dịch vị được tiết ra khiến các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành được tiêu hóa, hấp thu hoàn toàn.
Không uống sữa đậu nành cùng lúc với ăn trứng
Uống sữa đậu nành khi ăn trứng ốp la hoặc trứng luộc là thói quen ăn sáng của khá nhiều người. Ngoài ra, một số người cho rằng uống sữa đậu nành với trứng gà có thể tăng thêm dinh dưỡng.
Sữa đậu nành giàu protein thực vật, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng khác, uống một mình thì có hiệu ứng bổ dưỡng cao, nhưng nếu uống cùng lúc với ăn trứng thì lại không tốt bởi lòng trắng trứng kết hợp với men trypsin có trong sữa đậu nành sẽ tạo thành hợp chất kết tủa làm cơ thể khó hấp thu, và làm mất đi chất dinh dưỡng của trứng và sữa đậu nành. Do đó, trứng là một trong những kiêng kị uống sữa đậu nành cần nhớ.
Tránh uống quá nhiều
Uống sữa đậu nành quá nhiều dễ gây ra khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy do các chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành không đựợc hấp thu hết, ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa. Đối với người lớn, không nên uống quá 500ml/ngày.
Không kết hợp sữa đậu nành với hành lá
Đậu nành chứa rất nhiều chất dinh dưỡng gồm canxi, protein… Nhưng trái lại, hành lá lại chứa rất nhiều axit oxalic. Khi kết những chất này với nhau, lượng axit oxalic trong hành lá sẽ phân hủy canxi trong đậu nành, gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Nếu để tình trạng này kéo dài, sẽ dẫn đến việc hình thành những kết tủa không tan trong dạ dày.
* Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!