Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp Việt Nam đứng trước ba cái biến lớn, đó là biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh khó lường; thứ hai, biến động thị trường và thứ ba là biến chuyển xu thế tiêu dùng, tức người tiêu dùng chuyển từ ăn no sang ăn ngon, tiêu dùng xanh.
Với bối cảnh của thị trường ngày càng khắt khe hơn, cần biến sản phẩm thành thương phẩm hay nói cách khác phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tức sản xuất ít nhưng mang lại giá trị cao hơn.
Quá trình nêu trên không phải là quá trình kinh nghiệm có thể giải quyết được, mà người nông dân phải được đào tạo, huấn luyện để có được tri thức nhằm chuyển thành chuyên nghiệp. “Khi chuyên nghiệp, thì chúng ta mới chỉn chu, từ tổ chức sản xuất, đến chế biến, bảo quản, kinh doanh”, ông Hoan nói. Ông cho rằng khi đó nông dân sẽ biết cách bán nông sản giá cao hơn, tức thu nhập không chỉ dựa vào sản lượng, mà còn dựa vào kiến thức thị trường, kỹ năng kinh doanh, sự hợp tác của người nông dân trong một không gian rộng hơn không gian gia đình.
Theo ông, thế giới hiện đã tiến đến mức độ chuyên nghiệp và chuyên môn hoá ngày càng cao, trong khi Việt Nam chưa bắt kịp xu thế đó trong quy trình sản xuất thì rất khó để cạnh tranh. Vì vậy, 1 trong 9 giải pháp của Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn nông dân là nâng cao năng lực của người nông dân, bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ với nghề nông nghiêm túc và giàu tri thức hơn.
Rõ ràng, khi người nông dân chuyên nghiệp thì những vấn đề của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng sẽ được hoá giải. Từ đó sẽ hình thành được một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, góp phần tăng thêm giá trị thu nhập người nông dân.
Chuyên nghiệp hoá nông dân là cần thiết, nhưng đừng kỳ vọng cùng một lúc hơn 10 triệu nông dân Việt Nam trở thành chuyên nghiệp, bởi tri thức không có điểm dừng. “Mỗi ngày, chúng ta nâng tính chuyên nghiệp bằng cách chia sẻ tri thức cho người nông dân, có thể bắt đầu từ bán hàng, cách làm giống, thu hoạch…, rồi đến đưa công nghệ số, thương mại điện tử, các kiến thức vào cho người nông dân”, ông Hoan nói.
Ông cho rằng vấn đề không khó lắm bởi có một bộ phận đã chuyên nghiệp. “Tôi quan sát thấy rằng, trong lúc rủi ro thị trường nhất thì những sản phẩm từ người nông dân chuyên nghiệp ít rủi ro thị trường hơn vì họ biết cách thích ứng với sự thay đổi”, ông cho biết. Ông dẫn chứng, nông dân đã biết lên facebook, zalo tự giới thiệu và bán nông sản – một trong những tính chuyên nghiệp ban đầu của người nông dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi, cần kiên trì giúp người nông dân “hấp thu” những cái mới bằng việc lồng ghép vào những chương trình có sẵn, chứ không phải yêu cầu 10 triệu hộ nông dân phải đến trường để học để được cấp bằng. “Phải linh hoạt từng loại nông dân”, ông nói.
Câu chuyện không phải là câu chuyện của riêng Nhà nước, mà đó là câu chuyện của mọi người, của những ai “khắc khoải” vì sự chậm tịnh tiến trong phát triển để cùng hành động nhằm giúp người nông dân khá hơn, thu nhập cao hơn trên cùng đơn vị diện tích thông qua làm nông chuyên nghiệp. “Như vậy, chúng ta không cám cảnh, ngồi than người nông dân bỏ quê, mà phải cùng hành động, cả doanh nghiệp, chuyên gia, viện, trường…”, ông nói.
Thanh Hà