Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi với nhiều điểm sáng

08:10 07/12/2020

Bức tranh kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn khả quan hơn các quốc gia khác. Trong những tháng qua, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và đó sẽ là nền tảng tốt kích thích tăng trưởng kinh tế 2021.

Triển vọng phục hồi kinh tế

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11/2020 tiếp tục chuyển biến tích cực và có sự cải thiện hơn so với các tháng trước. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực sản xuất để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc và nhất là ngành chế biến, chế tạo tháng 11/2020 tăng 11,9% so với cùng kỳ ( chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 9,2%). Tuy nhiên, chỉ số này 11 tháng chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%). "Sức bật" trong ngành này đã bắt đầu xuất hiện và đó là tin mừng đối với nền kinh tế.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước chuyển biến tích cực; năng suất lúa mùa tăng 0,5 tạ/ha; chăn nuôi ổn định; sản lượng gỗ khai thác tăng mạnh (tăng 9,9% so với cùng kỳ). Nuôi trồng thủy sản tăng khá (giá nguyên liệu cá tra, tôm tăng do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh vào dịp cuối năm). Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi hiện nay đang diễn biến phức tạp (còn 318 xã của 29 địa phương vẫn còn dịch).

Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi
Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tiếp tục xu hướng phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, tiếp tục tăng điểm. Chỉ số VN-index đã vượt 1.000 điểm…Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh và 11 tháng năm 2020 giải ngân đã đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ (mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020).

Cùng với đó, 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Như vậy, tình hình đã có sự khác biệt khá lớn. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đã dần tăng lên: 10 tháng chỉ là 4,7%, còn bây giờ, con số là 5,3%. Tương tự, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cũng nhích dần. 10 tháng, tốc độ tăng chỉ là 0,4%, còn 11 tháng là 1,5%.

Nổi bật, đó là xuất siêu đạt mức kỷ lục, với 20,1 tỷ USD, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Đây là con số được Tổng cục Thống kê đánh giá là tích cực trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới.

Cũng theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng của năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11 của năm 2020 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới.

Sản xuất, kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát được kiểm soát, xuất siêu kỷ lục, dự trữ ngoại hối cao. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. “Điều này một lần nữa thể hiện sự ghi nhận của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vào thành tựu phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia lớn là đối tác quan trọng của Việt Nam và sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thương mại, du lịch và đầu tư. Trong nước, sản xuất công nghiệp tăng, nhưng chậm lại so với tháng trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi chậm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao; thiên tai, bão lụt tác động lớn đến sản xuất và đời sống của người dân; đã xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở TP.HCM.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, mặc dù còn khó khăn, thách thức, nhưng nhiều cơ hội vẫn rộng mở để Việt Nam có thể nắm bắt, vươn lên.

Các cân đối vĩ mô quan trọng được giữ vững, tạo điều kiện tốt để tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế. Các Hiệp định EVFTA và RCEP là thời cơ tốt để thúc đẩy thương mại...

Thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ

Chỉ còn gần tháng nữa, năm 2020 sẽ kết thúc. Mặc dù, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng vì đại dịch, thì chưa thể kỳ vọng kinh tế Việt Nam một sự tăng tốc mạnh mẽ.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến những vấn đề cần thực hiện trong tháng cuối năm. Cụ thể, Thủ tướng đề cập đến nguy cơ hàng đầu từ đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước, nhiều khu vực. Thách thức thứ hai là căng thẳng thương mại và công nghệ cùng leo thang và khó dự đoán. Thứ ba là ngoài yếu tố địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt cũng có khả năng ảnh hưởng lớn đến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc thúc đẩy tín dụng tăng trưởng phấn đấu trên 10% sẽ là một kênh rất quan trọng để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm. Trên thực tế, một bộ phận doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Do đó, các địa phương, các ngành phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ triển khai các gói hỗ trợ cho đến cải cách thủ tục hành chính; kiểm soát chặt chẽ tình trạng chuyển tải hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan..

Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, Thủ tướng lưu ý việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường trọng điểm nhưng xuất khẩu chưa phục hồi tốt. Song song với đó là thực hiện tốt hơn nữa việc giải ngân đầu tư công gồm cả vốn ODA nhưng đảm bảo chất lượng công trình; không được hình thức, lãng phí vốn đầu tư.

Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI; tiếp tục cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng.

"Cần đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa với quy mô trăm triệu dân thông qua các loại hình kinh doanh bán lẻ, du lịch, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống; đơn giản hóa thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ; đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số Chính phủ điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt…", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã nêu rõ, cần duy trì “tinh thần tiếp tục tháo gỡ hơn nữa cho sản xuất, kinh doanh, kể cả vấn đề đầu tư công và các mặt khác” để tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng 12. Do đó, tại cuộc họp thường kỳ này, Thủ tướng đã cùng các thành viên Chính phủ góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Theo dự thảo Nghị quyết này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương châm hành động của Chính phủ năm 2021 là “Kỷ cương, liêm chính, chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” và xác định 6 quan điểm, giải pháp trọng tâm chỉ đạo điều hành. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tính toán và đề xuất Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm tới đạt khoảng 6%, lạm phát tiếp tục duy trì trong khoảng 4%.

Bảo Bảo