Minh bạch hóa các dự án BOT: Lời nói xa rời thực tế

00:00 12/10/2020

Mặc dù Bộ GTVT đã nhiều lần đăng đàn giải thích, thế nhưng, những câu trả lời này dường như chỉ… tô đậm thêm nỗi khổ của người dân và các DN vận tải.

Lái xe khách, xe tải không phải là người dân? Tại buổi tọa đàm “Chính sách, pháp luật và hiệu quả từ các dự án BOT”, tổ chức mới đây, nhà báo Trần Đăng Tuấn đặt câu hỏi: Tại sao không có sự phân luồng đầu tư Nhà nước để bảo trì, nâng cấp, sữa chữa những tuyến QL để cho dân lựa chọn đi đường cũ hoặc sử dụng dịch vụ cao cấp hơn, trong đó có đường BOT? Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường tiếp tục cho rằng, khi đầu tư các tuyến cao tốc bao giờ Bộ GTVT cũng đưa ra các lựa chọn cho người dân, tức là có thể đi đường cao tốc, có thể không. Và một lần nữa, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lại được Thứ trưởng Bộ GTVT đưa ra làm ví dụ: “Nếu người dân không muốn đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn có thể đi QL1 cũ và sẽ không mất phí”.
Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Thanh Hải
Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Thanh Hải
Thế nhưng, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, người làm vận tải đều cho rằng, những phát ngôn của Thứ trưởng Bộ GTVT đưa ra tại các buổi tọa đàm, hội nghị, buổi phỏng vấn… nói chung là “trong phòng máy lạnh” là xa rời thực tế và những quy định của pháp luật. Bởi, từ khi tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào hoạt động, các DN vận tải hành khách đã bị cấm tuyệt đối di chuyển trên QL1. Đó là chưa kể, từ lâu nay tuyến QL1 đã có biển cấm xe tải hoạt động vào giờ cao điểm. Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Phúc, lái xe khách tuyến Hà Nội – Hà Tĩnh cho biết luôn phải chạy theo luồng tuyến đã được phê duyệt, nếu chạy sai, cơ quan quản lý phát hiện sẽ cắt nốt ngay lập tức. Điều này chẳng lẽ Bộ GTVT, đơn vị phụ trách ngành GTVT lại không biết? Hay Bộ GTVT chỉ coi những lái xe cá nhân là người dân, còn lái xe khách, xe tải thì không? Trách nhiệm của liên ngành Liên quan đến câu trả lời của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực GTVT cho rằng, người dân vẫn đang có quyền lựa chọn giữa đường cũ và mới, giữa miễn phí và mất phí ở số ít dự án BOT. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại, sau một thời gian sử dụng, con đường sẽ xuống cấp, và nguy cơ hết thời hạn một dự án đường BOT thì hoàn toàn có thể lại có một BOT khác chồng lên. Theo ông Nguyễn Hữu Quang - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đối với những sản phẩm, dịch vụ trong một thị trường cạnh tranh hoàn chỉnh thì vấn đề “hài hòa lợi ích” sẽ do thị trường điều chỉnh. Tuy nhiên, đối với một số dự án BOT vì người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài con đường này thì vấn đề hài hòa lợi ích là trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Người dân trả phí thấp hơn chi phí hợp lý mà nhà đầu tư bỏ ra thì đó không phải là hài hòa. Nhà đầu tư thu phí cao hơn chi phí hợp lý bỏ ra rõ ràng càng không hài hòa. Cũng theo ông Quang, để tạo ra sự hài hòa lợi ích ở các dự án BOT, Bộ GTVT phải có kế hoạch đầu tư tổng thể và chi tiết mạng lưới giao thông, với các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy mô hợp lý, với các loại nguồn vốn phù hợp, lựa chọn đúng nhà đầu tư BOT; Bộ Tài chính khi thỏa thuận giá phí và thời gian thu phí phải rà soát chặt chẽ chi phí đầu tư, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông; Bộ Xây dựng phải rà soát định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, mức độ hiện đại của công nghệ xây dựng để bảo đảm khoa học và kinh tế… Bên cạnh đó, các nhà đầu tư BOT phải luôn có ý thức tuân thủ pháp luật, đặt mục tiêu phát triển của mình đồng hành cùng mục tiêu phát triển của đất nước. (theo ktdt.vn)