Mì Hảo Hảo và “đấu tố” truyền thông?

17:16 28/08/2021

Trong 48 giờ qua, dư luận xã hội sôi sục hẳn lên bởi thông tin mì gói Hảo Hảo có chứa độc tố khiến Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland phải thu hồi một số lô hàng của nhãn hiệu này. Vụ việc khiến Cục An toàn Thực phẩm, (Bộ Y tế) cùng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) vào cuộc để thông tin minh bạch tới người tiêu dùng.

Phải chăng mì Hảo Hảo là
Phải chăng mì Hảo Hảo là "nạn nhân" mới của một cuộc "đấu tố" truyền thông?.

Tuy nhiên theo nhiều người, sự kiện này gợi lại câu chuyện các sản phẩm tiêu dùng, mà giới truyền thông gọi là những vụ “đấu tố” tiêu cực để cạnh tranh thị trường.

Cơ sở để dư luận quan tâm vụ việc này, là những thông tin lấy từ thông báo của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland.

Theo một số người chuyên về dịch thuật, cơ quan chức năng này diễn tả rất cẩn thận: “Although the consumption of the contaminated product does not pose an acute risk to health, there may be health issues if there is continued consumption of ethylene oxide over a long period of time”. (Dù việc sử dụng sản phẩm bị nhiễm không gây nguy hiểm cấp tính, nhưng có thể phát sinh một số vấn đề về sức khỏe nếu tiếp tục tiêu thụ ethylene oxide trong một thời gian dài).

Trong đó, ngữ cảnh “there may be health issues” nên được dịch ra tiếng Việt là “có thể có vấn đề về sức khoẻ”. Nhưng một số thông tin báo chí và truyền thông đã dịch cụm từ này thành “có thể gây ung thư”.

Rõ ràng đã có một lối diễn dịch áp đặt, hướng dư luận vào một vấn đề nguy hiểm cụ thể được thực hiện ở đây. Bởi mở rộng ra, dư luận vẫn tranh cãi về các tiêu chuẩn áp dụng về thực phẩm, theo đó Bộ Y tế có Thông tư 50/2016 nêu rõ, “Ethylene Oxide là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm”. 

Cảnh báo đầy thận trọng về sức khỏe đã được dịch thành
Cảnh báo đầy thận trọng về sức khỏe đã được dịch thành "gây ung thư" làm hoang mang cộng đồng?.

Nhưng khi cơ quan chức năng chưa xác minh rõ vấn đề, thông tin dư luận lan tỏa đã sự việc thành nghiêm trọng. Do dịch bệnh, nhiều loại thực phẩm bao bì được tiêu thụ mạnh, mà mì Hảo Hảo là một điển hình, những thông tin tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng đã tấn công trực diện vào thương hiệu doanh nghiệp và niềm tin của cộng đồng.

Nhiều người dẫn ra, thông tin có độc tố ở mì Hảo Hảo, xem ra không khác những sự kiện nước tương có chất độc, nước mắm có thạch tín… mà báo chí truyền thông từng va chạm. Dù xuất phát các thông tin ấy là những văn bản, phát ngôn của cơ quan có chuyên môn, nhưng kết quả điều tra của cơ quan quản lý cho thấy, đã có những nhầm lẫn diễn tả gây hiểu lầm.

Vấn đề ở chỗ, khi sự việc sáng tỏ, các đơn vị sản xuất, tổ chức nghề nghiệp, doanh nghiệp có mặt trong sự vụ đã tổn hại thương hiệu, danh dự... Đặc biệt, nếu đó là các cơ sở ở thế yếu về cạnh tranh cơ hội và thương hiệu, vấn đề sẽ không đơn giản nữa.

Thật sự đã đến lúc, cộng đồng cần được nhắc nhở nguy cơ từ các cuộc “đấu tố” truyền thông, hạn chế những tổn thất do các thông tin diễn ra theo cảm xúc đám đông và lý luận “tiêu diệt cái xấu” chung chung. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xác minh rõ sự thật, để các tổ chức, doanh nghiệp không khỏi tổn thương khi xảy ra những sự cố “đấu tố” truyền thông.

Nguyên Đức