Luật sư Trương Thị Hoà: Một vài chú ý khi vay tín dụng tiêu dùng

17:27 20/04/2023

Theo Luật sư Trương Thị Hoà, người đi vay tín dụng tiêu dùng ngoài quan tâm lãi suất cần phải quan tâm đến phương thức tính lãi suất và các khoản phí cụ thể cũng như cách thu hồi nợ của đơn vị cho vay.

Ảnh minh họa
LS Trương Thị Hoà 

Không nằm ngoài xu thế ở các nước trên thế giới, sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua đã được ghi nhận, không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Số liệu thống kê thực tế cho thấy, hiện dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2%) trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng, chưa kể sự bùng phát của các app cho vay với thủ tục nhanh gọn lôi kéo người dân có nhu cầu vay nhanh.

Cho vay tiêu dùng qua các kênh tín dụng chính thức như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty tài chính công nghệ (fintech)… đã và đang góp phần rất lớn vào việc đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng của khách hàng cá nhân, hạn chế tín dụng đen.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, những vấn đề phát sinh trong hoạt động thu hồi nợ "phản cảm" từ một vài công ty tài chính hay sự vụ công ty cho vay tiêu dùng bị cơ quan công an kiểm tra, đã tác động tiêu cực tới hình ảnh của các đơn vị cho vay tiêu dùng chính thống, thậm chí bị hiểu lầm là “tín dụng đen”.

Theo Luật sư Trương Thị Hoà, người đi vay tín dụng tiêu dùng ngoài quan tâm lãi suất cần phải quan tâm đến phương thức tính lãi suất và các khoản phí cụ thể cũng như cách thu hồi nợ của đơn vị cho vay. Theo quy định, lãi suất cho vay tiêu dùng tối đa là 20%/năm nhưng sau khi cộng thêm các loại phí có thể lên đến 60%-70%/năm, lúc đó bên đi vay có quyền yêu cầu được giải thích rõ ràng.

Luật sư Trương Thị Hoà cũng khuyến nghị, người đi vay tín dụng tiêu dùng cần phải biết rõ công ty tài chính, ngân hàng cho mình vay, cần tìm hiểu những quy định và có hợp đồng cụ thể. Bên cho vay có nghĩa vụ cung cấp dự thảo vay cho người vay nghiên cứu, nếu sử dụng hợp đồng mẫu thì phải niêm yết tại văn phòng, chi nhánh giao dịch để người vay tham khảo.

Thực tế, hiện mới chỉ có 16 công ty tài chính hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, còn lại là hàng trăm nghìn các cửa hàng cầm đồ, các ứng dụng, các cá nhân tự đặt tên là "công ty tài chính" và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm là công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính đã giúp đáp ứng các nhu cầu vốn của nhiều người dân.

Ngoài ra, người đi vay phải quan tâm đến phương thức tính lãi suất và các khoản phí cụ thể cũng như cách thu hồi nợ của đơn vị cho vay. Bởi lẽ, theo quy định, lãi suất cho vay tiêu dùng tối đa là 20%/năm nhưng sau khi cộng thêm các loại phí có thể lên đến 60%-70%/năm thì bên đi vay có quyền yêu cầu được giải thích rõ ràng. Với việc thu hồi nợ, nếu bên cho vay đốc thúc thu hồi nợ không đúng quy định, vi phạm pháp luật, người đi vay có thể trình báo các cơ quan có thẩm quyền là Ngân hàng nhà nước chi nhánh địa phương, cơ quan công an.

Thời gian tới, để tạo điều kiện cho hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, lành mạnh, về phía các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó có các công ty tài chính; tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế; nên xem xét, tính toán để hạn mức tín dụng của công ty tài chính phù hợp với đặc thù của loại hình này, không đánh đồng như ngân hàng thương mại.

PV