![]() |
Lần đầu tiên đề xuất chính sách việc làm cho người lao động cao tuổi |
Lần đầu tiên, vấn đề người lao động cao tuổi được đưa vào trọng tâm trong Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, phản ánh rõ bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam. Theo Điều 14 của dự thảo, nhóm lao động này sẽ nhận được hỗ trợ theo ba hướng chính:
Thứ nhất, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay tạo việc làm
Người cao tuổi sẽ có cơ hội vay vốn từ các chương trình giải quyết việc làm, giúp họ tự tạo, duy trì hoặc mở rộng hoạt động kinh tế phù hợp với năng lực.
Thứ 2, đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề
Nếu có nhu cầu tiếp tục làm việc, người cao tuổi có thể được hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm cập nhật kỹ năng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.
Thứ 3, công nhận kỹ năng nghề thông qua cấp chứng chỉ
Dự thảo tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia đánh giá và nhận chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia — yếu tố quan trọng giúp họ dễ dàng xin việc hoặc chuyển đổi nghề.
Đặc biệt, khoản 4 của Điều 14 còn khẳng định Nhà nước sẽ có chính sách dài hạn hỗ trợ đào tạo lại và chuyển đổi nghề, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và cân đối ngân sách quốc gia.
So với Luật Việc làm 2013 — vốn chưa có quy định riêng cho người cao tuổi — đây là bước tiến quan trọng.
Trước đây, các chính sách hỗ trợ vay vốn hay đào tạo đều mang tính phổ quát, khiến lao động lớn tuổi gặp nhiều khó khăn do đặc thù sức khỏe, khả năng tiếp cận thông tin và định kiến xã hội.
Theo quy định hiện hành, người cao tuổi gồm nam từ 60 tuổi và nữ từ 55 tuổi trở lên. Dù vậy, nhiều người ở nhóm tuổi này vẫn muốn tiếp tục lao động, đặc biệt ở nông thôn và khu vực phi chính thức, với các nghề như sửa chữa, thủ công, kinh doanh nhỏ, dịch vụ gia đình hay nông nghiệp hộ gia đình.
Tuy nhiên, họ vẫn đối mặt với rào cản như khó tiếp cận đào tạo nghề, vay vốn do yêu cầu khắt khe, và thiếu chứng chỉ kỹ năng nghề — yếu tố khiến việc chuyển đổi nghề hoặc tham gia vào thị trường lao động chính thức trở nên khó khăn.
Trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh, việc xây dựng chính sách việc làm riêng cho người cao tuổi không chỉ mang ý nghĩa bảo đảm an sinh, mà còn giúp tận dụng hiệu quả nguồn lao động giàu kinh nghiệm.
Nếu được thông qua, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi sẽ mở ra chương mới, đưa người lao động cao tuổi ra khỏi "vùng mờ" chính sách, tạo điều kiện để họ tiếp tục cống hiến, kiếm sống và sống ý nghĩa hơn.
![]() |
Kinh nghiệm và sự bền bỉ giúp họ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời người lao động cao tuổi cũng có xu hướng gắn bó lâu dài và ít chuyển việc hơn so với các nhóm tuổi khác. |
Khảo sát của ManpowerGroup Việt Nam chỉ ra một tín hiệu tích cực: các doanh nghiệp ở những trung tâm sản xuất lớn như TP HCM, Bình Dương cùng các khu công nghiệp mới đang dần đón nhận lao động lớn tuổi hơn so với trước đây.
Theo đại diện ManpowerGroup, điều này thể hiện rõ nhất ở các lĩnh vực sản xuất và logistics. Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng tiếp nhận ứng viên ở độ tuổi 50-55, tùy thuộc vào yêu cầu từng vị trí. Đây là thay đổi đáng chú ý, phản ánh nhu cầu tận dụng nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và ổn định.
Bà Cao Lê Thanh Loan, Giám đốc cấp cao dịch vụ tư vấn lao động của ManpowerGroup Việt Nam, thừa nhận rằng lao động trung niên thường gặp rào cản nhất định như hạn chế tiếp cận công nghệ hoặc khó thích nghi với cái mới. Tuy nhiên, bù lại, nhóm này lại có khả năng phục hồi cao, điều đã được rèn giũa qua thời gian và những biến động không ngừng của thị trường.
Kinh nghiệm và sự bền bỉ giúp họ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời họ cũng có xu hướng gắn bó lâu dài và ít chuyển việc hơn so với các nhóm tuổi khác.
Bên cạnh nhu cầu thực tế, đại diện ManpowerGroup cho biết các yếu tố pháp lý và tiêu chí nhãn hàng quốc tế ngày càng đòi hỏi doanh nghiệp tránh phân biệt đối xử lao động, đặc biệt dựa trên tuổi tác hay giới tính.
Việc nhóm người lao động lớn tuổi sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong lực lượng lao động, điều này đòi hỏi không chỉ doanh nghiệp mà cả chính sách quốc gia và chính bản thân người lao động cần có sự thích nghi linh hoạt. Bà Loan đưa ra gợi ý từ mô hình Nhật Bản, nơi chính phủ có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận lao động lớn tuổi như hỗ trợ thuế, trợ cấp tái tuyển dụng, cải thiện điều kiện làm việc và tổ chức đào tạo kỹ năng.
Cuối cùng, người lao động cũng cần chủ động thay đổi. Việc học hỏi kỹ năng mới, sẵn sàng nhận những công việc phù hợp với sức khỏe và xu thế thị trường là yếu tố then chốt giúp họ duy trì vị thế trên thị trường lao động hiện đại.