Làm thêm, cần có quy định hợp lý

11:44 14/03/2022

Làm thêm là nhu cầu chính đáng của người lao động trong tất cả các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất công nghiệp. Làm thêm làm tăng thu nhập để trang trải cuộc sống, nâng cao đời sống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hiện tại, ở không ít doanh nghiệp, thu nhập do làm thêm chiếm một phần quan trọng trong tổng thu nhập của người lao động. Nhất là trong giai đoạn này, do bị mất hoặc giảm thu nhập vì đại dịch COVID 19 nhiều tháng qua. Huy động lao động làm thêm cũng là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Nhiều tháng qua, do phải chống chọi với đại dịch, sản xuất đình trệ, lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ. Nhất là khi hàng triệu lao động rời thành phố về các vùng quê tìm việc làm khác, dẫn đến tình trạng thiếu lao động trầm trọng khi sản xuất được phục hồi, đơn hàng chồng chất. Việc huy động người lao động làm thêm sẽ giúp doanh nghiệp sớm giải phóng được đơn hàng, làm tăng lợi nhuận…

Nhưng, nếu làm thêm quá giới hạn, thậm chí vô độ, sẽ dẫn đến tình trạng vắt kiệt sức khỏe, làm ảnh hưởng trực tiếp đến những giờ làm chính thức của người lao động, dẫn đến những hậu quả rất xấu là năng suất lao động giảm, tai nạn lao động tăng…

Vậy, làm thêm thế nào là hợp lý, vừa giúp người lao động tăng được thu nhập nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời giúp được doanh nghiệp giải được bài toán về thiếu hụt lao động?

Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động, thì người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động để làm thêm không quá 40 giờ/tháng. Với một số ngành nghề khác, thì thời gian làm thêm chỉ từ 200 đến 300 giờ/ năm.

Nhưng trước tình hình thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiện nay, Bộ LĐ-TBXH vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặt vấn đề cần thiết phải nâng số giờ làm thêm. Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội cũng đề nghị nâng số giờ làm thêm từ không quá 40 giờ/tháng lên không quá 72 giờ/tháng.

Tuy nhiên trong báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tuy nhất trí với Chính phủ là cần nâng số giờ làm thêm, nhưng đề xuất chỉ nên nâng số giờ làm thêm lên 150%, tức là từ 40 giờ/tháng lên 60 giờ/tháng, và chỉ áp dụng đối với những đối tượng là lao động đã được quy định mức trần làm thêm không quá 300 giờ/năm, đồng thời đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa.

Việc có nâng mức trần làm thêm hay không, và nâng thì nâng bao nhiêu còn chờ Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, người lao động là vốn quý của doanh nghiệp, và sức khỏe của người lao động lại là vốn quý của vốn quý. Nên việc nâng trần giờ làm thêm cần phải hướng tới mục tiêu quan trọng nhất, nhân văn nhất là bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Và về lâu dài, doanh nghiệp cần tập trung cải tiến thiết bị, công nghệ, để nâng cao năng suất lao động, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn việc làm thêm. Đó mới là thượng sách.

Bút Thép