Hàng loạt lô mỹ phẩm bị xử lý
Ngày 23/7/2025, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, vừa ra thông báo đến các đơn vị gồm: Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm – Mỹ phẩm tỉnh Lâm Đồng; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Bình Thuận; Phòng Văn hóa – Xã hội các phường, xã, đặc khu trên địa bàn tỉnh; các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh.
Thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm vi phạm đối với 13 lô mỹ phẩm do Công ty TNHH Thương mại Minh Khương (TP. Hồ Chí Minh) phân phối, đồng thời đình chỉ hoạt động công bố sản phẩm của công ty này trong 6 tháng vì vi phạm nghiêm trọng về nhãn mác và công thức sản phẩm.
![]() |
Quyết định của Cục Quản lý Dược |
Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn 2047/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm lưu thông có nhãn không đáp ứng quy định. Cụ thể, 5 sản phẩm thuộc các dòng Image Skincare và Vital C bị thu hồi do ghi nhãn gây hiểu lầm, khiến người tiêu dùng dễ nhầm là thuốc. Các số lô bị ảnh hưởng bao gồm từ 416 2D đến LOT 24L06H1. Ngoài ra, 8 sản phẩm khác cũng bị đình chỉ lưu hành vì công thức không đúng với hồ sơ đã công bố, trong đó có Iluma™ Intense Exfoliating Cleanser (lô 5055C) và Ageless Total Facial Cleanser (lô 24C05B2). Tất cả sản phẩm do Image International Manufacturing, LLC (Mỹ) sản xuất.
Cục Quản lý Dược yêu cầu ngừng tiêu thụ và trả lại các sản phẩm nêu trên. Đồng thời, Công ty TNHH Thương mại Minh Khương phải giám sát việc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm nếu không thể sửa lỗi nhãn. Hạn chót để báo cáo kết quả về Cục là ngày 14/8/2025. Đáng nói, toàn bộ hồ sơ công bố sản phẩm trước đó của Công ty TNHH Thương mại Minh Khương cũng không còn giá trị pháp lý. Việc tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ công bố mới đối với công ty này có hiệu lực từ ngày 21/7/2025.
Cũng theo Cục Quản lý Dược, tính từ đầu năm đến nay, đơn vị đã kiểm tra 38 cơ sở và phát hiện 17 đơn vị vi phạm. Cùng thời điểm, 20 tỉnh, thành phố đã kiểm tra 865 cơ sở, phát hiện 48 cơ sở có sai phạm.
![]() |
Mỹ phẩm gồm hàng trăm lọ kem trộn, tinh dầu, thuốc dưỡng tóc... bị vứt thành đống ven đường ở Đà Lạt, Lâm Đồng |
Tại tỉnh Lâm Đồng, sau khi nắm thông tin trên, Sở Y tế tỉnh đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh ngưng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm mỹ phẩm nêu trên; thu hồi, trả về nhà phân phối và gửi báo cáo thu hồi về Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng trước ngày 31/7/2025 (nếu có). Yêu cầu Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm – Mỹ phẩm tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Bình Thuận tăng cường công tác lấy mẫu kiểm nghiệm và giám sát chất lượng mỹ phẩm trên địa bàn, đặc biệt rà soát sản phẩm mỹ phẩm nêu trên.
Ngoài ra, Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu Phòng Văn hóa – Xã hội các phường, xã, đặc khu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Phòng Kiểm tra – Pháp chế… phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở bán lẻ thuốc, mỹ phẩm, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
![]() |
Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở bán lẻ thuốc, mỹ phẩm và xử lý nghiêm... nếu vi phạm. |
Sở Y tế Lâm Đồng cho biết thêm, trước đó tỉnh Lâm Đồng cũng đã góp phần mạnh tay dẹp sản phẩm mỹ phẩm giả. Cụ thể, ngày 22/7/2025, Sở Y tế Lâm Đồng ban hành thông báo số 213/SYT-NVD về việc: đình chỉ lưu hành và thu hồi sản phẩm mỹ phẩm trên toàn tỉnh đối với các sản phẩm sau:
Kem chống nắng Vitamin C, số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm: 242/24/CBMP-PT, ngày cấp 05/9/2024. Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Athena Việt Nam (tỉnh Phú Thọ) là cơ sở chịu trách nhiệm và phân phối sản phẩm ra thị trường; Kem chống nắng Sun Cream, số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm: 39/22/CBMP-PT, ngày cấp 09/9/2022. Cơ sở chịu trách nhiệm và phân phối sản phẩm ra thị trường: Công ty TNHH Mỹ phẩm Lovis (tỉnh Quảng Ninh).
Theo đó, lý do thu hồi là mẫu sản phẩm mỹ phẩm được cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ kết luận là “hàng giả”…
Hậu họa khôn lường khi sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung – Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh – cho biết: Thời gian qua, mặc dù bị cơ quan chức năng xử lý thường xuyên, mỹ phẩm tự chế, không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan, nhất là trên mạng xã hội. Giá rẻ, quảng cáo hấp dẫn khiến nhiều người "xiêu lòng", nhưng hậu quả về sức khỏe và sắc đẹp thì người tiêu dùng phải trả giá.
"Hiện tại, việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thẩm mỹ – trong đó có việc kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc – quá nhẹ tay. Cần thêm những giải pháp quyết liệt hơn với sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý các dịch vụ kinh doanh mỹ phẩm không phép…”, bác sĩ Dung nhấn mạnh.
Tương tự, theo bác sĩ CKI Đào Hải Yến – Trưởng khoa JW Skincare (Bệnh viện JW Hàn Quốc, TP. Hồ Chí Minh), việc sử dụng sản phẩm mỹ phẩm giả hoặc không rõ nguồn gốc có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Viêm da tiếp xúc, nổi mụn, kích ứng, bong tróc da; giãn mao mạch, mỏng da, tăng sắc tố sau viêm – đặc biệt với sản phẩm chứa corticoid ẩn; rối loạn nội tiết, nhiễm độc da, nhiễm trùng sâu, gây sẹo vĩnh viễn; một số chất cấm (thủy ngân, chì, hydroquinone…) có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận, hệ thần kinh, thậm chí gây tổn thương lâu dài cho sức khỏe…
Đáng lo hơn, nhiều trường hợp khi đến khám đã ở giai đoạn tổn thương nặng, cần điều trị chuyên sâu và kéo dài, tốn kém cả về thời gian lẫn chi phí.
![]() |
Hệ lụy khó lường khi sử dụng sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng (Bệnh nhân trước và sau khi điều trị viêm da dị ứng kéo dài do sử dụng mỹ phẩm giả. |
“Một trong những ca điển hình gần đây là bệnh nhân nữ đến thăm khám trong tình trạng viêm da dị ứng kéo dài hơn 2 tháng, không đáp ứng với các phương pháp điều trị ban đầu tại nhà. Nguyên nhân được xác định do sử dụng nước tẩy trang giả, được mua với giá chỉ 100.000 đồng/chai, trong khi giá niêm yết chính hãng gần 400.000 đồng. Hiện tại, bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi, tình trạng viêm da đã được kiểm soát và chuyển sang điều trị các mảng tăng sắc tố sau viêm (PIH)”, bác sĩ Đào Hải Yến chia sẻ.
Hầu hết các trường hợp đều ghi nhận tổn thương da ở nhiều mức độ, từ nhẹ như kích ứng đỏ rát đến nặng như viêm da dị ứng, nhiễm trùng da. Do đó, quá trình điều trị thường kéo dài, bao gồm sử dụng thuốc kháng histamin, kháng viêm, thuốc bôi đặc trị và kết hợp các liệu trình phục hồi chuyên sâu tại bệnh viện – gây tốn kém cả về thời gian và chi phí. Trước thực trạng trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thận trọng trong việc lựa chọn và sử dụng mỹ phẩm, ưu tiên mua hàng chính hãng từ các kênh phân phối uy tín…