Kỳ vọng 'đầu tàu' kinh tế

00:00 12/10/2020

Được ví như "đầu tàu" kinh tế của cả nước, Tp.HCM đang muốn trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, nhưng chuyện này đòi hỏi nhiều việc phải làm khi những mặt tồn tại vẫn còn đó.

Mới đây, cùng các nhà đầu tư của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) đến tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn ở Tp.HCM, ông Saif Al Mazroui, Tổng giám đốc công ty AD Ports (nhà phát triển kho cảng và khu công nghiệp), chia sẻ là rất bất ngờ trước sự trỗi dậy của thành phố này.

Chưa như kỳ vọng

Ông Saif cho rằng Tp.HCM có tiềm năng tuyệt vời để phát triển trong tương lai, là điểm đến mà các nhà đầu tư UAE cần ưu tiên rót vốn kinh doanh tại khu vực ASEAN.

Với góc nhìn của một nhà kết nối các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khẳng định Tp.HCM rất muốn hợp tác với các nhà đầu tư kinh doanh quốc tế từ UAE.

UAE được cho là quốc gia ở Trung Đông đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Với việc Tp.HCM đang có tham vọng phát triển thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, mối quan tâm và sự ấn tượng của các doanh nhân UAE (vốn nổi tiếng có tiềm lực về tài chính trên toàn cầu) đối với thành phố là cực kỳ quan trọng.

Tại Diễn đàn Kinh tế Tp.HCM 2019 diễn ra cuối tuần qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM, đã bày tỏ hy vọng được Chính phủ xem xét đưa Đề án phát triển Tp.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thành Đề án trọng điểm quốc gia.

Tp.HCM cần cải thiện hạ tầng logistics để hút vốn ngoại

Tuy nhiên, để thực hiện được tham vọng này, trở thành địa điểm ưu tiên để rót vốn của các nhà đầu tư quốc tế, Tp.HCM còn rất nhiều vấn đề vướng mắc cần phải được tháo gỡ.

Theo lưu ý của Ts. Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, sự phát triển thị trường tài chính trên địa bàn Tp.HCM thực tế đã diễn ra không được như kỳ vọng.

Việc vươn lên để trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn của khu vực ASEAN đối với Tp.HCM vẫn còn khá xa, dù rằng trong 20 năm qua, Tp.HCM luôn ưu tiên phát triển thị trường tài chính.

Thực tế, với một nền kinh tế được ví như “đầu tàu” của cả nước, ngoài việc hướng đến thành trung tâm tài chính của quốc tế còn có rất nhiều mong mỏi khác về sức phát triển ở thành phố này. Tuy nhiên, song song đó là rất nhiều vấn đề còn tồn tại trong chiến lược cải cách.

Đơn cử như cải cách hành chính. Theo Gs.Ts. Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Tp.HCM, mặc dù đây là một trong những chương trình đột phá của lãnh đạo Tp.HCM, nhưng thủ tục hành chính đến nay được đánh giá là còn gây khá nhiều khó khăn cho DN nếu so sánh với các địa phương khác.

Nhiều việc phải làm

Thời gian đăng ký DN trung bình tại Tp.HCM là 14 ngày, tương đương với Bình Dương và Đồng Nai nhưng cao hơn nhiều so với trung bình của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 9 ngày.

Thời gian thay đổi nội dung đăng ký DN cũng tương tự: các DN ở Tp.HCM phải chờ 7 ngày, trong khi trung bình ở ĐBSCL chỉ cần khoảng 5 ngày. Thời gian chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Tp.HCM là 45 ngày, cao hơn nhiều so với Bình Dương và các tỉnh ĐBSCL.

Số DN phải chờ hơn 1 tháng và 3 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động ở Tp.HCM cũng cao hơn các địa phương khác, lần lượt là 17% và 7%.

Chỉ có 35% DN tại Tp.HCM đăng ký hoặc sửa đổi đăng ký kinh doanh thông qua bộ phận một cửa, thấp hơn nhiều so với Bình Dương, Đồng Nai và trung bình ĐBSCL.

Hoặc như trong vấn đề về vận tải hàng không ở Tp.HCM. Mới đây nhất, đại diện Hiệp hội DN Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) đã lên tiếng phàn nàn là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất quá tải.

Mặc dù đến nay đã có cải thiện, nhưng chất lượng dịch vụ sân bay Tân Sơn Nhất từng được xếp vào nhóm tệ nhất thế giới. Các hạn chế được chỉ rõ là tình trạng hối lộ để được giải quyết nhanh hơn, những ai từ chối thì bị xử lý chậm chạp hoặc làm trì hoãn một số thủ tục giấy tờ.

Ngay cả hoạt động xuất khẩu (XK) của Tp.HCM dù tiếp tục phát triển nhưng có dấu hiệu chững lại, khi so với cả nước thì tỷ trọng kim ngạch XK đang giảm đi. Hiện nay, kim ngạch XK của Tp.HCM chỉ chiếm khoảng 15 – 16% của cả nước, trong khi giai đoạn 2000 – 2001 chiếm đến 50%.

Vì vậy, tham vọng của Tp.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế là điều đáng ghi nhận, nhưng đòi hỏi rất nhiều việc phải làm.

Nhìn gần hơn, trước mắt Tp.HCM cần thể hiện tốt hơn vai trò “đầu tàu” ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo gợi ý của Gs.Ts. Nguyễn Trọng Hoài, nên có một thể chế thúc đẩy Tp.HCM trở thành một cực tăng trưởng đảm bảo tính lan toả cho các vùng lân cận và cả nước.

Bởi lẽ, Tp.HCM hiện nay dù giữ vai trò “đầu tàu” cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng vẫn chủ yếu tuân thủ theo quản lý chung là một tỉnh/thành phố như các tỉnh, thành khác. Do đó, phải đảm bảo một thể chế đặc thù cho Tp.HCM với các điều kiện cơ bản.

Thế Vinh