Dịch vụ vận tải Uber, Grab đã trở nên phổ biến và tăng trưởng nhanh tại các nước trên thế giới. Ảnh: Thanh Hải
Không chỉ là Uber, Grab
KTCS đang nổi lên ở các nhóm nghề như dịch vụ vận tải (Uber, Grab, Lyft, Zipcar…), dịch vụ du lịch và khách sạn (Airbnb, VRBO); dịch vụ lao động, việc làm (Homejoy, Upwork..), dịch vụ tài chính (Lending Club, Zopa…). KTCS đã trở nên phổ biến và tăng trưởng nhanh tại các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, từ năm 2014, một số công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ đa quốc gia đã thâm nhập như: Uber, Grab Taxi, Airbnb và Travelmob.
Bà Rebecca Bryant, đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang có cơ hội và lợi thế để phát triển KTCS trong mọi lĩnh vực, đó là nhờ sự phát triển nhanh của Internet và CNTT, đặc biệt là công nghệ sản xuất các thiết bị phần cứng và điện thoại di động thông minh tại Việt Nam. Có tới 76% người Việt Nam được hỏi sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ, cao hơn rất nhiều so với con số 66% đối với người tiêu dùng toàn cầu.
TS Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) chỉ ra mô hình KTCS mang lại cơ hội cho Việt Nam. Thứ nhất, mở ra cơ hội để vận dụng mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 có sự phát triển nhanh. Thứ hai sẽ giúp mở rộng thị trường cạnh tranh hơn, đa dạng hơn. Thứ ba mở ra cơ hội đầu tư tạo việc làm tăng thêm thu nhập khi khu vực phi chính thức của Việt Nam tương đối lớn. Thứ tư, tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động môi trường. Cùng với đó là giảm chi phí trung gian trong hoạt động kinh doanh, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Cuối cùng mang lại cơ hội cải cách hành chính bộ máy của Việt Nam.
Kiểm tra lộ trình các tuyến xe tại Công ty Vận tải Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Lúng túng trong quản lý
Để có thể khai thác tối đa tiềm năng từ mô hình KTCS cần có sự chuẩn bị cần thiết để có chính sách quản lý phù hợp. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ xây dựng Đề án về mô hình KTCS trình trong thời gian sớm nhất.
Thực tế cho thấy, KTCS nảy sinh các quan hệ trên thị trường, sẽ có sự xung đột với mô hình truyền thống về lợi ích và sự cạnh tranh từng thị trường. Thách thức nữa là cơ sở hạ tầng, làm thế nào kết nối thông tin giữa các cơ quan Nhà nước với nhau và với các chủ thể và vấn đề quản lý thuế thế nào….
Theo bà Tuệ Anh, Việt Nam đang quản lý rất cơ học dựa trên các điều kiện về số lượng, phương thức, cách thức sản xuất, mô hình kinh doanh. Đây là rào cản rất lớn cần sửa đổi, loại bỏ để các đối tượng được tự do sáng tạo, thử nghiệm các mô hình, phương thức kinh doanh mới. Trong khi cơ quan thuế cũng đang lúng túng, Nhà nước phải thu thuế với một phương thức mới thì mới theo kịp những dịch vụ xuyên biên giới.
TS Sarah Pearson - Giám đốc Phòng Sáng tạo, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia chia sẻ, tại quốc gia này, DN định tham gia vào mô hình chia sẻ phải có đăng ký về thuế, xây dựng các mô hình quản lý doanh thu, khi thu nhập lớn hơn 75.000 USD phải nộp thuế. Kinh nghiệm quản lý tại Singapore thì không cứng nhắc mà linh hoạt. Bà Pearson cho biết: "Các quốc gia có phản ứng thực thi chính sách khác nhau nhưng đa phần là hợp tác phối hợp liên ngành…".
Trong tương lai gần, các nền tảng công nghệ thậm chí còn điều taxi từ Lào sang Việt Nam, từ Việt Nam sang Campuchia… thì cơ quan thuế tính thế nào, các hãng taxi truyền thống xoay xở ra sao, có cạnh tranh được về phí hay dịch vụ? Có thể thấy bước đi này sẽ còn thách thức thị trường hơn nữa, trong mọi ngành, lĩnh vực kinh doanh. Cần tăng hoạt động đánh giá tác động của KTCS đến các mục tiêu phát triển (đầu tư, việc làm, công nghệ, thuế, cạnh tranh…) và dự báo sự phát triển của các lĩnh vực tiềm năng cho mô hình KTCS để chủ động điều chỉnh linh hoạt chính sách, quy định. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên.
Trâm Anh