Kiên Giang xếp thứ 6 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về tốc độ tăng trưởng kinh tế

16:23 13/12/2021

Năm 2021, với mức tăng trưởng 0,58%, Kiên Giang xếp thứ 6/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ hai vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau An Giang), mặc dù không đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch (tăng 6,01%), nhưng tỉnh đã đạt mục tiêu “tăng trưởng dương”, trong đó cả ba khu vực đều tăng trưởng dương vượt hơn dự kiến của kịch bản.

Ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2021, trong bối cảnh hết sức khó khăn và nhiều thách thức gấp nhiều lần so với năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với diễn biến phức tạp hơn đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nông nghiệp là
Nông nghiệp là nền tảng trong phục hồi, phát triển kinh tế tỉnh Kiên Giang.

Trước tình hình đó, bám sát phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh; UBND tỉnh đã linh hoạt, chủ động, quyết tâm, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án, kịch bản đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021, ước 63.153,65 tỷ đồng, đạt 95,17% kế hoạch, tăng 0,58% so với cùng kỳ trong đó: Khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 0,93%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,25%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 0,14%; GRDP bình quân đầu người ước 58,14 triệu đồng/người/năm.

Trong 24 chỉ tiêu được HĐND tỉnh giao có 13 chỉ triêu đạt và vượt kế hoạch, 11 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện phát triển phù hợp với tình hình dịch bệnh, xây dựng chính quyền, cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, dịch vụ công trực tuyến được tăng cường, chất lượng được nâng lên cơ bản đáp ứng nhu cầu giải quyết hồ sơ theo từng cấp độ dịch. “Dự báo năm 2022 sẽ tiếp tục khó khăn, nhất là dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Với tinh thần không lùi bước, Kiên Giang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, phấn đấu bắt nhịp tăng trưởng của cả nước. UBND tỉnh thống nhất đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt từ 6,02% trở lên, cùng 22 chỉ tiêu kinh tế- xã hội khác…"- Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành nhấn mạnh.

Để thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra của năm 2022, ông Thành cho rằng, trong phục hồi, phát triển kinh tế phương châm chỉ đạo của UBND tỉnh là “Lấy nông nghiệp làm nền tảng, phát triển dịch vụ du lịch là bức phá, thúc đẩy công nghiệp - xây dựng để góp phần đảm bảo tăng trưởng, đặc biệt là phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm". Tập trung tận dụng tốt cơ hội, nắm bắt thời cơ để phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với các giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo nguồn lực được bố trí và cân đối. Nâng cao hơn nữa hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính- ngân sách ở các cấp, các ngành, ưu tiên dành nguồn lực để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Đồng thời đảm bảo nguồn vốn chi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt từ 95% kế hoạch. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển.

Trần Hà