Kiên Giang triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

15:56 26/07/2021

Nhằm chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống của nhân dân, người lao động và người sử dụng lao động, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa có kế họach thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, có 12 chính sách hỗ trợ gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (chính sách số 01); tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (chính sách số 02); hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động (chính sách số 03); hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (chính sách số 04); hỗ trợ người lao động ngừng việc (chính sách số 05); hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (chính sách số 06); hỗ trợ bổ sung cho người lao động và trẻ em (chính sách số 07); hỗ trợ đối với người phải điều trị Covid-19, cách ly y tế (chính sách số 08); hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch (chính sách số 09); hỗ trợ hộ kinh doanh (chính sách số 10); hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất (chính sách số 11); hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác (chính sách số 12).

Kiên Giang triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Kiên Giang triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cụ thể, người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, được hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày) được hỗ trợ 1.855.000 đồng/người và người lao động tạm hoãn thực hiện họp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng (30 ngày) trở lên được hỗ trợ 3.710.000 đồng/người; người lao động ngừng việc được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ 3.710.000 đồng/người; viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ 3.710.000 đồng/người…

Nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; không bỏ sót, trùng lặp đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền, chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ (trừ trường hợp người lao động hưởng chế độ bổ sung và trẻ em theo chính sách số 07); không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Đối tượng đủ điều kiện hưởng một trong các chính sách từ số 01 đến số 11 theo quy định, đồng thời đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ số 12 (chính sách riêng) thì chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ cao nhất. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu chính sách hỗ trợ phải kịp thời, đúng đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến bị giảm sâu về thu nhập, mất việc, thiếu việc làm hoặc gặp khó khăn trong thời gian ảnh hưởng của đại dịch. Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.

Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này. Làm đầu mối tiếp nhận, tổng hợp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ đối với chính sách số 04, số 05, số 06, chính sách hỗ trợ bổ sung cho người lao động được quy định tại chính sách số 07, chính sách số 12. Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì, hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện chính sách 01 và 02 theo quy định. Xác nhận việc đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp (khi có yêu cầu của người sử dụng lao động) và chuyển kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng lao động (khi có quyết định hỗ trợ) đối với các đối tượng đề nghị hưởng chính sách số 03. Xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động thuộc chính sách số 04, số 05, số 06 và số 11 (khi được yêu cầu); phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Các ngành liên quan chủ trì, hướng dẫn tổ chức triển khai và chịu trách nhiệm thẩm định đối tượng đề nghị hỗ trợ thuộc các nhóm chính sách của kế hoạch này. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát, lập danh sách đối tượng; hướng dẫn việc phân bổ, cân đối ngân sách địa phương để triển khai thực hiện kinh phí hỗ trợ và thanh quyết toán theo quy định; kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động về quy trình, thủ tục, trình tự hồ sơ để được tiếp cận các khoản hỗ trợ; kịp thời chỉ đạo tổ chức triển khai chi trả hỗ trợ cho đối tượng.

Trần Hà