Kiên Giang: Phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021

10:21 02/03/2021

Sáng ngày 1-3, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết đầu tư công năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn chủ trì hội nghị.

Năm 2020, kế hoạch vốn đầu tư công theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang giao 6.108 tỷ đồng, kế hoạch điều chỉnh cuối năm là 6.095 tỷ đồng (giảm 13 tỷ 377 triệu đồng vốn ODA). Đến hết ngày 31/01/2021, giá trị giải ngân trên 5.710 tỷ đồng, đạt 93,68% kế hoạch, cao nhất trong 05 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tăng 6,56% so cùng kỳ năm 2019, giảm 1,57% so với báo cáo HĐND tỉnh (dự kiến giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 đạt 95,25% kế hoạch).

Theo đó, nguồn vốn do các Sở, ban, ngành cấp tỉnh quản lý giá trị giải ngân đạt 93,11% so kế hoạch điều chỉnh cuối năm; nguồn vốn do cấp huyện quản lý giá trị giải ngân đạt 94,56% so kế hoạch điều chỉnh cuối năm.

Hội nghị tổng kết công tác đầu tư công 2020
Hội nghị tổng kết công tác đầu tư công 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Nguồn vốn thực hiện các công trình giao thông nông thôn (GTNT): thực hiện và giải ngân đến ngày 31/01/2021 đạt 100% kế hoạch vốn, hoàn thành 388/382 km, đạt 101,57% kế hoạch năm, nâng tổng số km đường GTNT trên địa bàn tỉnh được cứng hóa là 6.365km đạt 89,85%, vượt 0,09%.

Công tác quyết toán dự án hoàn thành được các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và nhà thầu quan tâm, có nhiều chuyển biến so với năm 2019. Trong năm có 1.991 dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán, tăng so cùng kỳ là 463 dự án, tỷ lệ tăng 30,3% (1.991/1.528 dự án). Số dự án hoàn thành chậm lập hồ sơ quyết toán, là 125 dự án, giảm so cùng kỳ 56 dự án, tỷ lệ giảm 30,93% (125/181 dự án).

Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu tư công năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng, công tác triển khai thực hiện có nhiều chuyển biến tích cực, một số tồn tại, hạn chế từng bước đã được khắc phục; các chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án thực hiện cam kết giải ngân vốn theo từng tháng, quý, xây dựng tiến độ cụ thể cho từng dự án để theo dõi chỉ đạo. Qua đó đã đẩy mạnh và tăng giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, từ hết quý II là 23,17%, đến hết quý III tăng lên 47,94%, đến hết năm 2020 đạt 93,68%. Tuy nhiên, công tác tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công chưa nghiêm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Đến hết ngày 31/01/2021, còn 09 đơn vị cấp huyện và 20 đơn vị Sở, ban, ngành cấp tỉnh chưa thực hiện đúng với tinh thần Chỉ thị của UBND tỉnh giải ngân thấp so với chỉ tiêu đề ra.

Ông Nhàn cũng lưu ý, năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2025) do đó, các Sở, ban, ngành và địa phương chịu trách nhiệm rà soát, bố trí vốn sát với khả năng thực hiện của dự án, trên tinh thần bảo đảm giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 và không chuyển nguồn, điều chuyển, cắt giảm kế hoạch, ảnh hưởng đến tổng thể kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Để thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2021, ông Nhàn đề nghị, trong quý I/2021, UBND tỉnh sẽ thành lập 4 đoàn công tác nhằm kiểm tra tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công. Theo đó, giao Sở Tài Chính chủ trì kiểm tra tình hình quyết toán các công trình; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì công tác kiểm tra trình tự thực hiện thủ tục đầu tư, tiến độ giải ngân; Sở Tài nguyên môi trường chủ trì kiểm tra thực hiện phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng; Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra về tiến độ, chất lượng các công trình theo đúng cam kết của nhà thầu. Bên cạnh đó, cũng yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2021, nhất là các dự án đăng ký vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đã được thông báo khả năng cân đối vốn. Trên cơ sở đó lựa chọn đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực, đủ sức triển khai các dự án, công trình đạt chất lượng và đảm bảo đúng tiến độ.

Đối với các công trình có giải phóng mặt bằng, khi lập dự án phải đi đôi với lập phương án bồi thường để đưa vào tổng mức đầu tư, nhằm khắc phục tình trạng khi triển khai dự án được duyệt thiếu vốn bồi thường. Tích cực phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện nơi có dự án để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Thường xuyên theo dõi, kịp thời giải quyết các phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Tập trung xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng các công trình: đường ven sông Cái Lớn, đường 3/2 nối dài, đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Trần Văn Giàu.

Mai Hương